91,3% người lao động ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn cân nhắc quay trở lại làm việc sau dịch

Khác với dự đoán và lo lắng của nhiều chuyên gia, 91,3% người lao động tham gia khảo sát tại JobsGO đều có ý định sẽ quay trở lại với ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn hậu Covid-19, đón chờ những hy vọng mới trong tương lai.

Nhìn lại tác động của Covid-19 với người lao động ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn

Tình hình dịch bệnh kéo dài suốt 2 năm qua chính là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với người lao động ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn.

Theo khảo sát được thực hiện bởi JobsGO và Mytour, trong 523 người lao động tham gia, có tới 35,5% người rơi vào tình trạng thất nghiệp và chỉ có 2,8% người không bị ảnh hưởng bởi tình trạng Covid-19. Một lượng không nhỏ lao động ngành này đã lựa chọn chuyển hẳn sang nghề khác trái ngành hoặc làm công việc tạm thời để đảm bảo thu nhập (tỷ lệ lần lượt là 18,4% và 19,5%).

Có những thời điểm ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn gần như đóng băng mọi hoạt động, chỉ có khoảng 21,4% người lao động tiếp tục được làm việc. Đồng thời, mức thu nhập của họ cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều.

74,8% người lao động ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn sẵn sàng trở lại làm việc ngay

Bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã phần nào được kiểm soát. Theo nhận định của một số chuyên gia, ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn đang có nhiều khởi sắc, sẵn sàng “hồi sinh” và trở lại hoạt động “bình thường mới”. Vậy kế hoạch trong tương lai của các ứng viên trong ngành này như thế nào?

Kết quả khảo sát của JobsGO cho thấy, hầu hết người lao động đều có ý định sẽ quay trở lại (91,3%), tuy nhiên trong đó vẫn có 16,5% người đang chần chừ, do dự vì những lo ngại liên quan đến dịch bệnh.

Trong khoảng thời gian các hoạt động ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn tạm dừng, có 19,5% người lao động lựa chọn làm việc trái ngành. Thế nhưng chỉ có 6,8% người cho biết đã quen với công việc mới và không có ý định quay trở lại. Thực tế, càng có ít kinh nghiệm, người lao động sẽ càng tỏ ra băn khoăn “liệu có nên tiếp tục với ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn  hậu Covid-19 hay không?”.

Khó khăn, thách thức đối với người lao động khi quay trở lại ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn hậu Covid-19

Tình hình Covid-19 dù vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn, song các hoạt động kinh tế nói chung và ngành Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn nói riêng vẫn đang được mở cửa trở lại theo đúng tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Tuy nhiên, vẫn có tới 36,9% người lao động cảm thấy lo ngại với những ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian tới. 24,5% người chần chừ vì chế độ đãi ngộ thấp và chủ yếu là người lao động có kinh nghiệm. 24,2% người lao động gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm ngành này bởi nhu cầu tuyển dụng của nhiều vị trí còn khá ít.

Không có quá nhiều khác biệt trong lựa chọn quay trở lại công việc của người lao động giữa các lĩnh vực và bộ phận. Vậy nhưng, nhóm đối tượng có trên 5 năm kinh nghiệm lại có nhiều lợi thế hơn về cơ hội việc làm do có sẵn mạng lưới quan hệ trong ngành.

Ông Phạm Thanh Hải – CEO JobsGO chia sẻ: “Các khó khăn này chỉ là tạm thời. Trang web tuyển dụng JobsGO.vn hiện mỗi ngày có hàng trăm tin tuyển dụng từ các công ty du lịch lữ hành, khách sạn, nhà hàng cho nhiều vị trí và con số này vẫn tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các khách sạn có lẽ đang nhận thấy độ nóng của thị trường du lịch nội địa trong thời gian vừa qua, chưa kể tới sức ép từ thị trường ngoài nước sau khi Việt Nam mở cửa lại du lịch quốc tế từ ngày 15/3. Tin vui với các chủ doanh nghiệp là người lao động vẫn còn tâm huyết và sẵn sàng quay trở lại khi có cơ hội rõ ràng. Doanh nghiệp nào mạnh tay quyết liệt tuyển dụng sớm trong thời gian này với các chính sách chế độ hấp dẫn cho người lao động sẽ dễ hút được nhiều nhân sự giỏi trên đường trở lại và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài”.

Khó khăn đối với ngành du lịch – nhà hàng – khách sạn vẫn còn chồng chất. Tuy nhiên, sự nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của Việt Nam là những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng” các hoạt động trong ngành, mở ra cơ hội việc làm dành cho người lao động trong tương lai.

Nguồn : 24h