Các loại hình du lịch mới đầy tiềm năng

Loại hình du lịch mới là gì?

Loại hình du lịch được hiểu là các danh mục phân loại hình thức du lịch dựa trên các yếu tố nhất định – phù hợp như mục đích, hoạt động, trải nghiệm của khách du lịch. Khai thác hiệu quả loại hình du lịch phù hợp giúp đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu và mong muốn của du khách, tạo doanh thu cho cơ sở, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Một số loại hình du lịch phổ biến có thể kể đến là: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, du lịch tôn giáo, du lịch công tác… Với nhu cầu ngày càng cao của du khách, du lịch ngày càng trở nên đa dạng, phong phú với nhiều loại hình mới được phát hiện và khai thác, mang lại sự thích thú trải nghiệm cho khách du lịch trên toàn cầu.

Vậy loại hình du lịch mới là những loại hình du lịch mới được phát hiện và khai thác, nhiều tiềm năng để phát triển và mang lại giá trị không chỉ về kinh tế mà còn ở xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch tại điểm đến.

Những loại hình du lịch mới tiềm năng

Trên cơ sở phát triển từ các loại hình du lịch truyền thống đã có, những loại hình du lịch sau đây được cho là mới mẻ, hấp dẫn, đầy tiềm năng để khai thác và phát triển trong thời gian tới:

+ Du lịch hồi giáo (Halal Tourism)

Halal tourism hiểu ngắn gọn là du lịch hồi giáo, bao gồm tất tần tật những hoạt động du lịch dành cho khách Hồi giáo. Đây là thuật ngữ du lịch mới, khai thác loại hình du lịch mới này cần đảm bảo nghiêm túc tuân theo những quy định hoặc sự cấm đoán đặc trưng của đạo Hồi trong văn hóa, tín ngưỡng, vui chơi giải trí như: không uống rượu, không ăn thịt lợn, khu bể bơi tách biệt cho khách nam và nữ…

Dân số Hồi giáo đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong vài năm tới. Quy mô thị trường Hồi giáo vì thế mà vô cùng lớn và đang tiếp tục mở rộng. Thái Lan được biết đến là nước nhanh chóng thích ứng với xu hướng du lịch mới này, họ cho xây dựng những cơ sở dịch vụ du lịch riêng biệt, đón và phục vụ riêng cho khách hồi giáo. Kết quả thu hút được một lượng khách vô cùng lớn.

+ Du lịch thanh niên (Youth Tourism)

Youth Tourism là thị trường nhánh khá tiềm năng, phục vụ nhu cầu du lịch độc lập có thời gian dưới 1 năm của những du khách trong khoảng độ tuổi 15-30. Sản phẩm phục vụ cho đối tượng khách này khá khác biệt, bao gồm những mong muốn trải nghiệm các nền văn hóa, xây dựng kinh nghiệm sống, hưởng lợi từ cơ hội học tập hoặc làm việc ở nước ngoài hay ngoài nơi sinh sống thường xuyên (sinh viên đi thực tế, du học sinh, người đi công tác…). Khai thác tốt loại hình du lịch thanh niên giúp gia tăng lượng khách và tổng doanh thu du lịch đáng kể.

+ Du lịch kết hợp làm việc từ xa (Workcation Tourism)

Nếu work from home hay staycation nở rộ giai đoạn trong và ngay sau đợt Covid-19 bùng nổ mạnh mẽ thì workcation dần trở thành xu hướng khi đại dịch cơ bản dịu lại. Sau thời gian dài bức bối và nhàm chán khi bị chôn chân tại chỗ thì việc di chuyển đến nơi mới để khám phá, đồng thời thay đổi môi trường làm việc mang lại cảm giác dễ chịu và tuyệt vời cho du khách.

+ Du lịch đến điểm du lịch có nguy cơ bị biến mất (Last Chance Tourism)

Loại hình du lịch này hướng đến thu hút những du khách tìm đến để tận mắt chiêm ngưỡng những thắng cảnh, di tích, điểm du lịch nổi tiếng nói chung nhưng đang bị đe dọa biến mất. Các loại động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cũng được xếp vào loại hình du lịch này.

+ Du lịch đồ chơi (Toy Tourism)

Loại hình du lịch này khởi nguyên từ Nhật Bản rồi lan nhanh sang Hàn Quốc cùng nhiều nước châu Á khác và trở thành xu hướng mới gần đây. Những công ty du lịch tại Nhật triển khai tour mới dành cho người khuyết tật hoặc rất già, những người có khiếm khuyết về thể chất và (hoặc) tinh thần mua tour để các món đồ chơi của họ được đi du lịch. Chúng sẽ được công ty du lịch đưa đi chơi và chụp ảnh check-in thật đẹp trước khi được trả về lại cho chủ của chúng. Năm 2014, đã có trên 400 tour như thế được thực hiện tại Nhật.

+ Du lịch ngủ (Sleep Tourism)

Loại hình du lịch mở ra để phục vụ cho những du khách chọn đi du lịch chỉ để được ngủ hay nghỉ ngơi, thư giãn trong các khách sạn, nhà nghỉ, homestay mà không phải làm gì khác. Nghiên cứu cho thấy, số lượng người bị rối loạn giấc ngủ hay có chất lượng giấc ngủ kém cực kỳ nhiều, đặc biệt là sau Covid-19. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ riêng cho đối tượng khách bị thiếu ngủ, cần được ngủ.

+ Du lịch chữa lành (Wellness Tourism)

Du lịch chữa lành không hẳn là loại hình du lịch mới nhưng thật sự được ưa chuộng từ sau Covid-19, khi mà nhiều người nhận ra sức khỏe và giá trị tinh thần cực kỳ quan trọng để tận hưởng cuộc sống. Các sản phẩm, dịch vụ của du lịch chữa lành tập trung vào mục đích giải tỏa căng thẳng trong tâm trí, giảm stress thông qua các hoạt động massage, yoga, thiền.. thay vì hướng đến các hoạt động phải di chuyển, tham quan, khám phá quá nhiều.

+ Du lịch cho khách nữ sống đơn thân (PANKS Tourism)

Tour PANKS – Professional Aunts No Kidsđược các công ty du lịch thiết kế dành riêng cho những bà cô, bà dì sống đơn thân và không có con cái nhưng có mong muốn có một trải nghiệm kỳ nghỉ ý nghĩa với các cháu trai, cháu gái của họ (thân thiết như con). Loại hình du lịch này xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ và lan rộng ra nhiều nước khác.

+ Du lịch về nguồn (Diaspora Tourism)

Diaspora tourism được hiểu là những du khách đi du lịch trở về quê hương của họ để tìm lại nguồn gốc. Với những ai có tổ tiên từ những quốc gia khác di cư đến đặc biệt thích tour này.

Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế ngành du lịch vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng đang có. Lý do một phần bởi các loại hình du lịch đang khai thác vẫn còn đơn giản, cũ kỹ. Do đó, tìm kiếm và khai thác những loại hình du lịch mới, bên cạnh tiếp tục phát triển các loại hình du lịch truyền thống hút khách là cách hay để đa dạng hóa sự lựa chọn cho khách du lịch, thu hút và khai thác thêm những phân khúc thị trường mới, nhiều tiềm năng hơn cho du lịch Việt trong tương lai.

Bài tổng hợp ngắn này hy vọng sẽ mang đến vài gợi ý nhỏ, giúp các doanh nghiệp du lịch trong nước có cái nhìn mới hơn về định hướng phát triển du lịch, đổi mới và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ du lịch để tăng tính cạnh tranh.

Nguồn : hoteljob