Home Tin tức và sự kiện Các điểm du lịch tìm cách ngăn nạn chặt chém

Các điểm du lịch tìm cách ngăn nạn chặt chém

khách sạn

Các điểm nóng như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt… kiểm tra hoạt động cơ sở kinh doanh và công bố đường dây nóng hỗ trợ du khách dịp 30/4.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các địa phương tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn và đặc biệt đưa ra giải pháp chống “chặt chém” du khách.

Thanh Hóa dự kiến đón 610.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 832 tỷ đồng. Bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Sở đã tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, trong đó nhắc nhở các địa phương đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông và chuẩn bị công tác cứu nạn, cứu hộ.

Các điểm du lịch ở Thanh Hóa những năm gần đây mạnh tay trong việc chống “chặt chém”, tình trạng không niêm yết giá, ép giá. Các biển cảnh báo an toàn, đường dây nóng được lắp đặt công khai tại các bãi biển, nơi tập trung đông đúc.

Tại Đà Nẵng, lượng khách dự báo đông, khi có tới 600 chuyến bay nội địa và quốc tế dịp nghỉ lễ. Từ 26/4, Công an TP Đà Nẵng tăng cường lực lượng, bảo đảm an ninh trật tự cho lễ 30/4 và mùa du lịch hè. Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức liên tục các đợt kiểm tra cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, tàu thuyền, nhà ga, nhà hàng… để đảm bảo an toàn và ổn định giá dịch vụ.

Quảng Nam công khai đường dây nóng tại các điểm du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp cùng cơ quan chức năng cam kết xử lý khi có phản ánh từ du khách. Bên cạnh đó UBND TP Hội An chỉ đạo các xã, phường tăng cường an ninh trật tự, yêu cầu hộ kinh doanh niêm yết giá rõ ràng, tránh tình trạng chèo kéo, nâng ép giá gây ảnh hưởng tới điểm du lịch.

Tại Quảng Bình, Sở Du lịch yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện quy định bán đúng giá niêm yết, không tăng giá, ép khách, găm giữ phòng… Ngoài ra các đơn vị báo cáo về phương án chống dịch, xử lý khi đón du khách F0.

UBND các huyện và thành phố Đà LạtBảo Lộc phải tăng cường trật tự, an toàn giao thông dịp lễ. Trong đó các đơn vị kinh doanh vận tải được yêu cầu đẩy mạnh bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ.

Thành phố Đà Lạt dịp này dự kiến đón 180.000 du khách. Để nhận phản ánh của du khách, thành phố công bố đường dây nóng do Phó chủ tịch UBND TP giữ, ngoài ra còn có đường dây nóng của quản lý đô thị, an toàn giao thông…

Bà Rịa – Vũng Tàu, một trong những địa phương đông khách trong kỳ nghỉ, cũng đưa nhiều phương án đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng dịch vụ đón khách. Cụ thể thành phố Vũng Tàu bố trí nhiều bãi xe cho du khách trong trường học, cơ quan… Du khách có thể theo dõi địa chỉ trên Google Map. Địa phương cũng phát hành tập gấp trực tuyến và in ấn hướng dẫn đường đi, lễ hội, tắm biển an toàn… bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Thanh tra Sở Du lịch kiểm tra, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh để đối chiếu giá cả, chấp hành niêm yết giá. Ngoài ra đoàn kiểm tra cũng yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, giấy tờ đăng ký kinh doanh…

Các địa phương khác như Hà Nội, Lào Cai, TP HCM, Lâm Đồng lên phương án chống ùn tắc, tránh gây cảm giác mệt mỏi, phiền hà cho du khách.

Trước đó ngày 25/4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch dịp nghỉ lễ, đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các vi phạm. Cần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và an toàn giao thông đường bộ, đường thủy… Các địa phương phải kiểm tra, giám phát ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong du lịch, tình trạng không niêm yết giá, lừa đảo, trục lợi, chèo kéo, nài ép du khách dịp cao điểm, đồng thời tuyên truyền văn minh tại các khu du lịch…

Nguồn : vnexpress