Được mệnh danh là “thiên đường biển”, Bình Định được thiên nhiên ưu đãi nhiều vũng vịnh, bãi tắm đẹp hoang sơ trải dài hàng chục km như bãi biển Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang … và danh lam thắng cảnh nổi tiếng có sức hút lớn mà du khách nên ghé khi đến Quy Nhơn – Bình Định như: Eo Gió, Kỳ Co, Hòn Khô, Cù Lao Xanh, Bán đảo Phương Mai, Ghềnh Ráng …
Biển Kỳ Co – Nơi cách thiên đường một bước chân
Nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 25 km, thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Kỳ Co mang một vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng đẹp tựa một bức tranh vừa nên thơ vừa hùng vĩ, được mệnh danh là chỉ cách thiên đường một bước chân, là Maldives thu nhỏ của Việt Nam.
Eo Gió – Nơi ngắm Bình Minh đẹp nhất Việt Nam
Eo Gió thuộc khu vực 3, thôn Lý Lương, xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một eo biển xanh, đẹp hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Không biết từ bao giờ hay xuất phát từ lòng mến mộ cảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia và du khách khi đến tham quan tại đây, mà địa danh Eo Gió – đã được “phong tặng” là nơi có cảnh bình minh đẹp nhất Việt Nam.
Con đường xuyên biển” độc đáo ở Hòn Khô
Hòn Khô là một trong 32 hòn đảo nằm gần bờ của tỉnh Bình Định, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 16km, sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và “con đường xuyên biển” dài hơn 500 m độc đáo. Mỗi khi thủy triều rút, ghềnh đá nhô lên khỏi mặt nước mở ra “con đường xuyên biển” kỳ thú nơi đây.
Những năm gần đây, cứ từ cuối tháng 2 đến tháng 5, dọc theo bãi đá uốn lượn quanh bờ biển làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) phủ kín màu rêu xanh mướt. Những khối đá chắn sóng, ngăn chặn triều cường xâm thực bỗng chốc trở thành ‘thảm rêu” tuyệt đẹp mê hoặc du khách. Đông đảo du khách cùng người dân đổ về xã Nhơn Hải vui chơi, check-in bãi rêu phủ kín trên các bãi đá uốn cong quanh làng chài nơi đây.
Đặc sắc văn hóa Chămpa
Bình Định hiện còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá, đó là quần thể kiến trúc, tín ngưỡng gồm 8 cụm và 14 tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn. Mỗi cụm tháp chăm ở Bình Định có một một cấu trúc, vẻ đẹp, độc đáo, khác biệt
Nổi bật là cụm Tháp Bánh Ít (còn gọi là Tháp Bạc) là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1982, và được đưa vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh. Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách này.
Cụm Tháp Dương Long (tháp Ngà) là một quần thể gồm 3 tháp (tháp giữa cao 39m, tháp Nam cao 33m, tháp Bắc cao 32m), là di tích quốc gia đặc biệt. Với kiến trúc nghệ thuật tinh tế, uy nghi mang nhiều đặc trưng của tháp Chămpa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm nét của nghệ thuật kiến trúc Kh’mer. Tháp Dương Long được đánh giá là cụm tháp gạch cao nhất Đông Nam Á.
Cụm Tháp Đôi là một trong những tháp chịu ảnh hưởng của kiến trúc Khmer thời Angkor Vat. Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.
Dấu ấn Tây Sơn hào kiệt
Tây Sơn, Bình Định là vùng địa linh nhân kiệt – là quê hương của vị Hoàng Đế “Áo vải cờ đào” Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Để tìm hiểu dấu ấn Tây Sơn còn lưu lại, du khách có thể đến Bảo tàng Quang Trung, cách Quy Nhơn 45km về hướng Tây Bắc; là một trong những bảo tàng lịch sử nổi tiếng nhất của Bình Định liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, một trong những cuộc nổi dậy giải phóng dân tộc thành công nhất ở nước ta. Đến bảo tàng, ngoài việc chiêm ngưỡng những di vật thể, du khách sẽ được tìm hiểu về chiến tích lừng lẫy của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, được thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật phong phú, độc đáo, hấp dẫn: Võ Tây Sơn, trống tận Quang Trung, ca múa nhạc dân tộc… các chương trình này sẽ đưa du khách ngược dòng lịch sử trở lại với những trận chiến hào hùng của phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII.
Làng nghề truyền thống
Bình Định có nhiều làng nghề thủ công truyền thống trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây sẽ được tham quan quá trình sản xuất với tay nghề điêu luyện, khéo léo của những nghệ nhân làm ra các sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa có tính nghệ thuật cao, như: Làng Nón Phú Gia (Phù Cát), Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (An Nhơn), Làng gốm Vân Sơn (An Nhơn), Làng rượu Bàu Đá (An Nhơn), Nghề dệt chiếu cói (Hoài Nhơn)…
Bên cạnh những điểm đến du lịch nói trên, du khách có thể tham gia trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng tại các làng chài Nhơn Lý, Nhơn Hải dưới nhiều hình thức như: trải nghiệm câu mực đêm cùng ngư dân địa phương tại xã Nhơn Lý; ngắm bình minh trên bãi rêu xanh, chèo thuyền Sup thưởng ngoạn trên cánh đồng rong nho vàng rực và thưởng thức món bánh xèo mực tươi ngon do người dân vùng biển Nhơn Hải đánh bắt và chế biến. …
Nguồn : danviet