Khi chưa có thay đổi về chính sách visa, chuyên gia đề xuất đẩy mạnh truyền thông, xác định thị trường mục tiêu và nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách quốc tế.
Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Công an và Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề xuất Quốc hội nâng thời hạn e-visa từ 30 ngày lên 3 tháng; cấp cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ; tăng thời hạn tạm trú của người nước ngoài nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Đề xuất sẽ phải chờ kỳ họp Quốc hội tháng 5 thông qua.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, cho hay mùa cao điểm đón khách quốc tế là từ tháng 9 đến tháng 4. Doanh nghiệp rất mong các đề xuất nới visa được thông qua sớm, tạo cú hích vào những tháng kế tiếp. Hiện Việt Nam mới có đề xuất này là “chậm hơn nhiều” so với các nước trong khu vực. Thái Lan đã mạnh tay nới lỏng visa từ năm ngoái.
“Nếu các đề xuất bị bỏ ngỏ đến kỳ họp thứ hai (cuối năm 2023), ngành du lịch sẽ tiếp tục mất cơ hội thuyết phục khách quốc tế năm sau. Nếu tháng 5 này thuận lợi, chúng ta sẽ nắm chắc cơ hội kéo khách đến vào cuối năm”, ông Hà nói.
CEO The Outbox Company Đặng Mạnh Phước cho rằng thường có độ lệch giữa chính sách và thời gian thực thi. “Nếu tháng 5 đề xuất thông qua, phải đến tháng 7-8 mới thực thi. Nếu những vấn đề về visa và hoạt động xúc tiến không được cải thiện trong giai đoạn tới, nhiều khả năng Việt Nam chỉ đón được khoảng 6 triệu lượt khách”, ông Phước nhận định.Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Dưới góc nhìn của người làm dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến, ông Phước cho hay việc cần làm trước mắt là đẩy mạnh truyền thông. Ngành du lịch cần có cú hích đủ lớn để tạo sức bật nhu cầu thị trường. Việc truyền thông qua hội chợ, triển lãm cần thời gian kết nối với thị trường rất lâu. Nên học hỏi Đài Loan hay Hong Kong, khi vừa mở cửa đã tung các chương trình tặng vé máy bay, voucher nhằm hút khách.
Cụ thể, chính quyền Đài Loan công bố gói ngân sách gần 150 triệu USD nhằm thu hút khách quốc tế, trong đó có kế hoạch tặng tiền, thẻ ưu đãi trị giá 165 USD một người. Đây là một trong những nỗ lực của Đài Loan nhằm phục hồi ngành du lịch sau đại dịch. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Hong Kong đẩy mạnh chiến dịch “Hello Hong Kong”, tặng 500.000 vé máy bay miễn phí cho du khách khắp thế giới, trong đó có 8.800 vé cho thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho rằng nên ráo riết tập trung quảng bá để thu hút khách quốc tế vào mùa sau, từ tháng 10 năm nay. Vì mùa đón khách Tây năm nay về cơ bản đã gần kết thúc.
Giải pháp tiếp theo là tập trung xác định thị trường khách mục tiêu. Đây là giải pháp ngắn hạn trước khi nghĩ đến chuyện xa hơn là đa dạng hóa thị trường. Theo ông Phước, nên tập trung vào các thị trường truyền thống và trong khu vực Đông Nam Á. Các dữ liệu đã chứng minh thị trường Tây Âu rất khó trở lại Việt Nam với số lượng lớn trong năm nay.
“Ngành du lịch cần xác định rõ khách hàng quốc tế quan trọng là ai”, ông Phước nói. Ông cũng chỉ ra nghiên cứu thị trường tại Việt Nam dường như bị bỏ ngỏ quá nhiều năm. Ngành du lịch không có dữ liệu thị trường và không có tư duy làm du lịch theo hướng đặt khách hàng làm trung tâm.
Ông Phước lấy ví dụ Trung Quốc xác định rõ đối tượng và đưa ra chính sách khuyến mại tập trung vào thị trường đó. Công thức này Việt Nam nên áp dụng cho các thị trường Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, Hàn Quốc chính là thị trường gửi khách lớn nhất tới Việt Nam sau dịch.
Nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, đổi mới để du khách đến Việt Nam cảm thấy được trân trọng cũng là một giải pháp. Ông Nguyễn Châu Á cho rằng điều cần làm ngay là nâng cấp cổng điện tử và hạ tầng cấp e-visa, tránh những phàn nàn về việc website thiếu chuyên nghiệp, thủ tục rườm rà và phản hồi chậm.
“Cần xây dựng chiến lược và cấp ngân sách marketing để quảng bá cổng thông tin cấp visa điện tử ở các thị trường tiềm năng”, ông Á nói. Tổng giám đốc Oxalis Adventure nhận định câu chuyện chờ đợi nới lỏng chính sách visa, mở cửa đất nước để phát triển du lịch là cả một quá trình dài hơi, do đó không có gì là quá muộn.
Ngoài ra, đại diện đơn vị cung cấp tour thám hiểm Sơn Đoòng cũng cho hay nên tập trung các giải pháp như xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp từng thị trường, chuyển đổi mô hình từ B2B (giao dịch tour giữa các công ty) qua B2C (khách đặt tour trực tiếp). Ông cho hay với cách làm này, tình hình kinh doanh của công ty ông đã ổn định như trước dịch.
“Đối với các doanh nghiệp du lịch inbound, hiện là thời điểm phù hợp để triển khai mô hình B2C, bớt phụ thuộc vào đối tác gửi khách theo mô hình B2B nhiều năm nay”, ông Á bày tỏ.
Nguồn : vnexpress