Đó là sự cố hài hước của Nguyễn Thắng, nhân viên resort ở Hà Tiên, Kiên Giang. Một lần khi anh đang ngủ, điện thoại đổ chuông. Thắng bật dậy nói như máy: “Good morning! Reception is speaking. May I help you?” (Xin chào buổi sáng, lễ tân xin nghe. Tôi có thể giúp gì anh chị?). Đầu dây bên kia vội vàng xin lỗi vì gọi nhầm điện thoại.
Khoảng 30 phút sau, bạn của Thắng chạy đến nhà hỏi với giọng hớt hải rằng có phải anh bị mất điện thoại không, vì “ông Tây” nào đó vừa bắt máy và đáp một tràng xì xồ.
Thắng đem câu chuyện “bệnh nghề nghiệp” của mình chia sẻ lên mạng xã hội và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những đồng nghiệp trong ngành khách sạn và nhà hàng.
Quốc Tuấn, nhân viên một khách sạn 3 sao ở Hà Nội cũng có kỷ niệm tương tự. Một lần Tuấn gọi ship đồ ăn qua ứng dụng. Khi trả lời điện thoại, anh chàng vô thức chào hỏi bằng tiếng Anh như đang đi làm. Khi thấy đầu dây bên kia lặng ngắt, anh chàng mới bật cười, nhận ra người gọi đến là shipper.
“Xuống nhận đồ ăn, bạn shipper nói lúc nghe thấy mấy câu tiếng Anh, cậu ta cứ nghĩ chắc là một chiêu trò mới của khách tìm cách không nhận đồ ăn và thế nào cũng phải đền tiền. Đến khi thấy tôi gọi lại, cậu ấy mừng không tả xiết”, Tuấn kể.
Mắc “bệnh nghề nghiệp” như Thắng, Kim Thanh làm lễ tân khách sạn ở Hàm Tiến – Mũi Né, Phan Thiết. Một buổi chiều, Thanh ghé quán uống cà phê cùng bạn khi tan ca. Đang ngồi nói chuyện, bỗng thấy hai vị khách Tây lại gần, Thanh bất ngờ đứng bật dậy, chỉnh lại quần áo và dáng đứng. Sau đó, cô lễ tân mới bật cười vì nhớ ra mình đang ở quán cà phê chứ không phải khách sạn. Ra về, Thanh lại gặp tiếp một vị khách Tây khác ở cửa và cô buột miệng: Good afternoon, Sir (Chào buổi chiều, thưa ngài) – câu nói quen thuộc khi làm việc.
Ngô Tú, 30 tuổi, quản lý tại một khách sạn ở Phú Quốc, thì quen tay cầm máy thanh toán (POS) để tự cà thẻ khi đi ăn hàng với bạn bè. Thậm chí có lần Tú còn cầm luôn cả POS, bỏ bút ký vào túi trước ánh mắt ngỡ ngàng của thu ngân. Đến khi phát hiện mình nhầm, Tú chỉ biết cười ngượng ngịu và xin lỗi vì đã quá “nhập tâm với công việc”.
Linh Đan, 24 tuổi, là lễ tân chào khách tại một quán ăn ở Hà Nội. Cô gái trẻ quen tay đến mức vẫn giữ thói quen mở cửa cho khách khi đi siêu thị hay trung tâm thương mại. “Một lần vào Vincom, tôi đứng mở cửa rồi mời những người khác vào. Sau khi đóng cửa lại, tôi phát hiện mình vẫn đang đứng bên ngoài”. Khi thấy mình mắc bệnh nghề nghiệp nặng”, Đan chỉ biết cười.
“Đi ăn với bạn, đến khi thanh toán, bạn ra quầy trả tiền còn tôi tự động cầm khay đồ ăn bê vào bếp trước sự ngỡ ngàng của nhân viên quán. Sau đó, họ khúc khích hỏi tôi có phải dân trong ngành không”, Thái Bảo Anh, 24 tuổi sống tại Đà Lạt cho biết.
Đặng Diệu Linh, bồi bàn trong một khách sạn 4 sao ở Nha Trang, mỗi lần dọn bàn, thấy đồ ăn thừa, bát đĩa dùng rồi được xếp lại gọn gàng, cô biết ngay đó là đồng nghiệp cùng ngành. “Chúng tôi thường mắc ‘bệnh nghề nghiệp’ như thế, nên chỉ cần nhìn vào dấu hiệu đó là nhận ra ngay”, Linh bày tỏ.
Với Tuấn Tú, việc làm trong ngành phục vụ cũng giúp anh hiểu được rõ hơn nỗi vất vả của những đồng nghiệp khác. Do đó, khi đi du lịch Tú sẽ thường xuyên để lại tiền tip. Đến quán ăn, anh cũng xếp lại bát đĩa gọn gàng ngăn nắp.
“Khi đi ăn hàng muộn, tôi luôn hỏi họ giờ đóng cửa. Nếu biết quán còn 30 phút nữa sẽ ngừng phục vụ, tôi sẽ đi tìm chỗ khác. Tôi cũng là nhân viên nhà hàng nên hiểu cảm giác sắp được nghỉ làm mà vẫn phải phục vụ khách nó hụt hẫng thế nào”, anh Tú nói.
PHẦN MỀM QUẢN LÝ KHÁCH SẠN -RESORT-APARTMENT MEMO , chống thất thoát doanh thu (dành cho khách sạn 3-5 sao)
PHẦN MỀM QUAN LÝ KHÁCH SẠN ONLINE STAR , chống thất thoát doanh thu (dành cho khách sạn 1-3 sao, đăng ký dùng thử miễn phí 30 ngày)