Giải pháp thúc đẩy ngành du lịch phục hồi

Định vị thương hiệu, xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhắm đến thị trường cao cấp là những giải pháp được đề cập trong tọa đàm thời cơ của ngành du lịch.

Tại tọa đàm “Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam” diễn ra ngày 18/2 tại Quy Nhơn, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, trong giai đoạn đầu thí điểm triển khai mở cửa, ngành du lịch vẫn có những khó khăn. Như Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12, hay Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero Covid-19”, khiến hợp đồng du lịch đến Việt Nam hạn chế lại.

Trong dịp Tết vừa qua, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. “Đây là những vấn đề cần tính toán trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ”, ông Phương lưu ý.

Thiếu nhân lực trong ngành du lịch cũng là vấn đề được các diễn giả đề cập đến. Theo ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định sau 2 năm, người làm du lịch đã chuyển nghề.

“Chúng tôi dự kiến đầu tháng 3 tổ chức hội nghị bàn cách tháo gỡ vấn đề này”, ông Thanh nói.

Ông Phạm Hà, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Lux Group cũng đề cập tới khó khăn này, bên cạnh các điểm nghẽn về cơ chế chính sách, sản phẩm du lịch vừa thừa vừa thiếu, thiếu trọng tâm, và xúc tiến chưa hiệu quả do chưa định vị thương hiệu tốt.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra những điểm nghẽn đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là thiếu tính nhạy bén, thận trọng mở cửa hơn các nước, thiếu nhất quán trong việc triển khai ứng phó với Covid-19 như mỗi tỉnh có một chính sách cách ly.

Trong bối cảnh mở cửa, ông Bình cho biết cần chuẩn bị trước hết là sản phẩm – vốn là cái gốc của du lịch. “Sản phẩm sau Covid-19 phải khác trước Covid-19, không theo phong trào mà phải dựa trên bản chất, sự hấp dẫn, phải là sản phẩm mới”, ông nói. Ông Bình ví dụ như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ, liên quan đến thể thao như golf, chạy marathon. Ngoài ra cần chú ý đến các vấn đề về môi trường, nhân lực sau Covid-19.

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng du lịch tại các địa phương như Bình Định mới chỉ theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, chưa thực sự phát huy hết các giá trị liên quan đến văn hoá, truyền thống. “Chúng ta đã làm được nhiều thứ, nhưng hành trình ‘hậu mãi’ còn hạn chế. Làm du lịch phải từ những điểm nhỏ nhất, đáp ứng tiêu chuẩn để đồng bộ, từ đường xá, nhà vệ sinh tại các điểm du lịch…”, ông Ngọc bày tỏ.

Bà Nguyễn Thảo Anh, Giám đốc công ty KKDay Việt Nam cũng bày tỏ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin. Theo bà, KKDay có mặt trên 12 nước, đã có những tệp khách hàng và chủ động đưa khách quốc tế lẻ vào thị trường Việt Nam. Khi công ty nắm được thông tư hướng dẫn, có sự hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn, khách hàng có được sự thuận tiện trong làm visa, nhập cảnh thì các công ty lữ hành mới có thể kết nối lại các thị trường quốc tế.

Còn theo bà Hoàng Thị Liên, Tổng giám đốc F5 Travel, du lịch Việt Nam vẫn chưa định vị được giá trị bản thân và Bình Định là một điểm đến mới so với khách quốc tế.

Tín hiệu tích cực từ mở cửa du lịch

Ông Phương cho hay có 6,1 triệu khách du lịch nội địa, với 3,2 triệu khách lưu trú. Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng.

“Đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của khách quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga…”, ông Phương thông tin.

Tháng 11 năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhận được sự ủng hộ của các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp. Du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như điểm đến văn hoá, di sản, ẩm thực, golf… tốt nhất châu Á, góp phần xúc tiến, quảng bá các điểm đến.

Đại diện lãnh đạo địa phương, ông Trần Văn Thanh, chỉ trong 7 ngày Tết, tỉnh này đón gần 160.000 lượt khách, tăng 40% so với Tết 2021. Chỉ trong hai tháng đầu năm, lượng khách đạt gần 650.000 khách, tăng 37% cùng kỳ. Người dân Bình Định chuẩn bị sẵn sàng để đón khách trong và ngoài nước trở lại từ đầu tháng 3, đặc biệt khi tỉnh đang đẩy mạnh phủ 3 mũi vaccine cho người dân.

Còn theo ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom, tình hình đón khách trong 3 tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 tương đối khả quan. Lượng du khách nội địa đi du lịch, nghỉ dưỡng nhiều hơn, không chỉ Quy Nhơn mà cả Phú Quốc, Đà Nẵng. Chỉ trong vài ngày Tết Nguyên đán, toàn bộ quần thể của FLC Quy Nhơn đã đón 10.000 khách.

Lộ trình mở cửa của ngành du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, lấy ý kiến về lộ trình mở cửa, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023.

Lộ trình mở cửa từ 15/3 theo bối cảnh bình thưởng mới sẽ linh hoạt hơn, như trước đây yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay hàng không có hai phương án áp dụng, như xét nghiệm có giá trị 72h. Ở các thị trường khó khăn có thể xét nghiệm nhanh có giá trị 24h, không phải test tại sân bay mà về cơ sở lưu trú.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, có những thay đổi và khác biệt trong các quy định về lộ trình mở cửa du lịch lần này so với các chương trình thí điểm. Đầu tiên là các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Khách du lịch cũng được mở rộng đối tượng là tất cả các khách nội địa lẫn quốc tế. Ngoài ra, tất cả cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách. Trước đây chúng ta chỉ đón khách qua đường không nhưng giờ sẽ mở cửa hết các cửa khẩu cả trên đường bộ và đường biển. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cũng ủng hộ quyết định mở cửa các cửa khẩu và sẵn sàng đón khách.

Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế.

Ông Phương cho biết thêm, vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19 cũng được nới lỏng hơn. Hiện tại khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm. Kết quả PCR có giá trị trong 72h, test nhanh có giá trị trong 24h. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa.

Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ triển khai phương pháp này.

Đại diện Tổng cục trưởng Cục du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết sẽ hoàn thiện các thông tin cơ bản về phương án, lộ trình mở cửa du lịch đến 15/3, trong đó có nhiệm vụ số hoá điểm đến, theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các sản phẩm du lịch sẽ tiếp cận xu hướng số hoá.

Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc thành lập Văn phòng thí điểm xúc tiến du lịch Quốc gia.

Giải pháp phục hồi du lịch

Để định vị thương hiệu du lịch Việt, bà Liên cho rằng Tổng cục Du lịch hoặc các cơ quan truyền thông nên có biện pháp truyền thông cụ thể và đánh thẳng vào từng thị trường quốc tế. Ví dụ, du lịch Bình Định khi nhằm tới thị trường Đài Loan có thể mời đài truyền hình hoặc nhân vật nổi tiếng từ quốc gia này tới địa phương để quay chương trình. Điều này sẽ thu được sản phẩm quảng bá hiệu quả và đến thẳng tâm lý người tiêu dùng.

“Đây là cách chúng tôi đã làm với Hà Nội hay Phú Quốc, sau khi chương trình được phát trên giờ vàng tại Đài Loan đã đạt hiệu quả cao. Điểm đến đó ghi dấu ấn trong lòng du khách. Bình Định có thể áp dụng cách này để nhằm đến từng thị trường một”, bà nói.

Theo nhà báo Trương Anh Ngọc, khi mở cửa du lịch, chúng ta tin tưởng phải du khách, coi họ là một cơ hội, không phải nguy cơ. Cơ hội vàng của ngành du lịch nằm ở việc Việt Nam sẽ ứng xử với du khách thế nào? Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, chưa có hướng dẫn đồng bộ. Ví dụ khi đón khách quốc tế phát hiện có F0 trong đoàn thì địa phương và ngành du lịch phải có phương án giải quyết.

Theo ông, người làm du lịch cần học hỏi kinh nghiệm mở cửa của các nước xung quanh, đặc biệt là Thái Lan. Nước này vẫn mở cửa đón khách quốc tế khi ca nhiễm của họ cao gấp 3, 4 lần Việt Nam.

Trong khi đó, để giải bài toán nhân sự, các doanh nghiệp có những giải pháp ứng phó riêng. Đơn cử, hệ thống quần thể FLC chuẩn bị nhân lực từ trong giai đoạn giãn cách. Trong năm 2022, doanh nghiệp này dự kiến tuyển dụng 2.000 – 4.000 nhân sự, 15% là cán bộ cấp cao, chuyên gia nước ngoài cho hãng Bamboo Airways. Đơn vị cũng có trung tâm đào tạo phi công và tiếp viên đi vào hoạt động trong tháng 5, tháng 6.

“Những nỗ lực ấy nhằm đón đầu lượt khách quốc tế đến hãng hàng không. FLC cũng đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân viên mũi 2, mũi 3 nên rất tự tin đón khách quốc tế”, ông Đỗ Việt Hùng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC nói.

Nguồn : vnexpress