Hoa hồng cho các kênh OTA cao, giải pháp tốt hơn cho các khách sạn

Dù biết hoa hồng cao nhưng khách sạn ngày càng phụ thuộc vào OTA ngoại

Mức phí hoa hồng khách sạn chi cho các trang web đặt phòng của nước ngoài phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Majestic là một trong những khách sạn lâu đời, có tiếng ở TP.HCM –lượng khách tốt với hàng trăm lượt khách lưu trú mỗi tháng. Chính vì điều này mà Majestic đàm phán được với các OTA mức hoa hồng 13% – chứ thông thường khoản chi này sẽ cao hơn nhiều. Hiện Majestic có khoảng 40% lượng khách đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến và 60% còn lại thông qua các kênh khác như: đại lý du lịch TA, website khách sạn…

Chủ một khu nghỉ dưỡng vừa khánh thành ở Vũng Tàu cho biết, phải trả cho các OTA ngoại 17% tiền hoa hồng và dù than rằng phí cao nhưng resort này vẫn phải chấp nhận để kéo khách đến lưu trú và cũng giúp giảm được công quảng bá, tiếp thị vì đó là những website nổi tiếng thế giới.

Trường hợp khách sạn muốn xuất hiện ở vị trí đầu tiên của các trang đặt phòng, có thể phải chi mức hoa hồng lên đến 25%. Nếu OTA bán được một booking 2 triệu đồng thì sẽ được hưởng hoa hồng 500.000 đồng.

25% chưa phải là mức chi cho OTA cao nhất bởi “Đội tàu Âu Cơ của chúng tôi phải trả đến 46% phí để được xuất hiện trên trang đầu tiên vì ngoài tiền hoa hồng, khách sạn phải trả thêm phí quảng cáo để được xuất hiện ở những vị trí tốt nhất với mục đích có được nhiều booking”.

Hiện nay, tại nhiều khách sạn ở Việt Nam, kênh bán phòng qua các OTA chiếm từ 30 – 40% doanh số, thậm chí có đơn vị tỷ lệ này lên đến 50 – 60%. Mặc dù biết bị “hút máu” một cách kinh khủng nhưng dù muốn hay không họ vẫn đang bị phụ thuộc vào kênh bán phòng này.

Theo thống kê của Grant Thorton về thị trường khách sạn Việt Nam 2018, trong khi tỷ lệ đặt phòng trực tiếp với khách sạn giảm 1,6% thì kênh đặt phòng qua OTA lại tăng 1% – vượt qua hình thức đặt phòng trực tiếp với khách sạn – chiếm đến 21,4% trong tổng số các kênh bán phòng.

Sở dĩ khách sạn ngày càng phụ thuộc vào OTA là do khách du lịch muốn đặt phòng nhanh và thuận tiện. Nhiều người thích đặt phòng trực tuyến dù đi du lịch trong nước hay ra nước ngoài, bởi các trang này cung cấp nhiều lựa chọn phong phú để họ tham khảo và giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bản thân các OTA có thể cung cấp giá phòng rất rẻ nhờ sẵn tiền mua trước một lượng phòng nhất định của khách sạn trong thời gian dài – trong khi khách sạn không thể tự hạ giá vì một khi đã giảm thì rất khó để tăng lại.

► Khách sạn lệ thuộc nhiều và nguy cơ “ngậm bồ hòn làm ngọt”

Đại diện Grant Thornton Việt Nam cho biết, các kênh OTA ngoại đang hỗ trợ rất tốt việc bán phòng cho các khách sạn tại Việt Nam, tuy nhiên nếu các khách sạn để doanh số bán phòng qua OTA chiếm đến 60% thì mức độ phụ thuộc ngày càng nhiều và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khi đó không chỉ là câu chuyện thu phí hoa hồng mà còn ảnh hưởng đến chính sách giá, vấn đề kỹ thuật… Ngoài hoa hồng, khách sạn còn phải chịu nhiều khoản phí khác từ chính sách của OTA đưa ra – bởi khi đã phụ thuộc nhiều thì khách sạn đành phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hay nếu có sự cố kỹ thuật nào đó xảy ra với trang web đặt phòng trực tuyến thì việc bán phòng của các khách sạn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo.

Một chủ khách sạn ở Đà Nẵng cho biết, các OTA dường như đang khống chế thị trường đặt phòng nên nhiều khi khách sạn phải lấy giá bù lỗ để kéo khách – trong khi phần lợi nhuận thuộc về các đại lý đặt phòng trực tuyến. Hay nhiều khi khách sạn gặp vấn đề này nọ với khách thì chính khách sạn phải đứng ra giải quyết với khách chứ OTA thì xem như không liên quan.

Có một rủi ro khá lớn mà nhiều khách sạn có thể phải đối mặt là vấn đề thuế nhà thầu. Theo Luật định, do có phát sinh thu nhập tại Việt Nam nên các trang web như TripAdvisor, Booking, Agoda… phải có nghĩa vụ nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu. Hiện nay, việc triển khai thu thuế nhà thầu với các OTA đã được triển khai – tuy nhiên nếu giữa khách sạn và OTA không có những thỏa thuận rõ ràng về vấn đề nộp thuế nhà thầu thì nhiều khi khách sạn sẽ ở thế “đứng mũi chịu sào” – bị truy thu thay phần thuế này cho các OTA.

► Khách sạn nên làm gì để giảm phụ thuộc vào OTA ngoại?

Để giảm phụ thuộc – mức chi hoa hồng cho các website đặt phòng của nước ngoài, không còn cách nào khác là các khách sạn cần phải nỗ lực thúc đẩy việc bán phòng qua các kênh trực tiếp của khách sạn như: website, điện thoại, Fanpage Facebook… bằng những ưu đãi thực sự hấp dẫn: có xe đón tiễn sân bay, tặng voucher… hay tối ưu việc bán phòng với các kênh OTA nội với mức phí hoa hồng khá mềm, chỉ khoảng 7 – 8%.

By: itcs.vn

ĐĂNG KÝ dùng thử miễn phí PHẦN MỀM QUẢN LÝ KHÁCH SẠN – NHÀ HÀNG MEMO

PHẦN MỀM QUAN LÝ KHÁCH SẠN ONLINE STAR (dành cho khách sạn 1-3 sao, đăng ký dùng thử miễn phí 30 ngày)