Việt Nam đón gần 600.000 khách quốc tế tháng 11, nhiều nhất kể từ khi mở cửa hồi tháng 3, tăng 23% so với tháng trước, đạt hơn 2,7 triệu lượt cả năm.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần trong các tháng cuối năm, khi bắt đầu vào mùa cao điểm. Tháng 11 lượng khách ngoại vào Việt Nam cao nhất kể từ khi du lịch mở cửa trở lại hồi tháng 3, với hơn 596.900 lượt, tăng 23% so với tháng 10.
Trong số này, khách châu Á đứng đầu, với hơn 417.400 lượt, châu Âu đứng thứ hai với gần 92.000 lượt, tiếp đến là châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi với các con số là hơn 62.500, 23.400 và 1.600. Khách Hàn Quốc đông nhất với hơn 144.000 lượt, tiếp đó là Mỹ, Australia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc…
Sau 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,7 triệu, cao gấp 21,1 lần so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, nếu so với trước dịch, con số này giảm hơn 80% và chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu 5 triệu khách trong năm nay.
“Ba tháng cuối năm là mùa cao điểm khách châu Âu đến Hà Nội. Nhiều khách sạn trong phố cổ đã kín 100% suốt tháng 11. Tháng 12 chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng số lượng đặt trước cũng đạt hơn 90% lượng phòng”, chị Đào Thị Nga, quản lý kinh doanh dịch vụ tour và phòng khách sạn tại Little Charm Hanoi, phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, cho biết.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho hay hiện là mùa cao điểm khách nước ngoài, nhưng rất khó để Việt Nam hoàn thành mục tiêu 5 triệu khách trong năm. “Chúng ta không nên quá quan trọng việc hoàn thành con số đưa ra. Thay vào đó, nên nhìn lại vì sao không đạt, cần làm gì để cải thiện. Chúng ta nên tập trung vào việc làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam”.
Cũng theo ông Hà, năm 2023, ngành du lịch cần đưa ra nhiều chiến lược hơn nữa để hút khách như nới lỏng chính sách visa, quảng bá điểm đến với bạn bè quốc tế, quản lý tốt các điểm du lịch để tạo hình ảnh đẹp về Việt Nam.
“Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu thực hiện chương trình ‘thị thực vàng’, kèm thời gian lưu trú lên đến 20 năm, nhiều quyền lợi để hút khách nhưng Việt Nam chưa có. Bên cạnh đó, chúng ta thường xuyên nói về việc xúc tiến, quảng bá du lịch nhưng sản phẩm nào khác biệt để hút khách không thì tôi chưa thấy rõ nét. Đây cũng là điều ngành du lịch cần quan tâm”, ông Hà nói.
Nguồn : vnexpress