Muôn kiểu dở khóc, dở cười khi đặt phòng khách sạn qua ứng dụng trực tuyến

Không gian nghỉ ngơi khác xa với quảng cáo, thiếu các dịch vụ thiết yếu hay đặt phải phòng “ma”,… là một số tình huống oái oăm mà du khách gặp phải khi đặt phòng qua các ứng dụng online.

Đặt phòng khách sạn qua ứng dụng online, khách rơi cảnh “dở khóc, dở cười”

Giữa tháng 6, blogger Nguyễn Thùy Trang có chuyến du lịch tới Thái Lan cùng nhóm bạn. Dù từng đi nhiều quốc gia, “bỏ túi” không ít kinh nghiệm du lịch nhưng cô vẫn gặp tình huống “cười ra nước mắt” khi đặt phòng qua ứng dụng online.

Chia sẻ với báo, Thùy Trang cho biết, hôm 22/6, trước khi khởi hành tới thị trấn Pai (ở miền Bắc Thái Lan) một ngày, cô tham khảo các dịch vụ lưu trú tại đây và đặt phòng qua một ứng dụng trực tuyến có tiếng.

Vì di chuyển vào ngày trong tuần nên nữ blogger Thùy Trang có chút chủ quan, thanh toán ngay sau đó và yên tâm với thông báo xác nhận đã đặt phòng qua email. Tuy nhiên, khi đến nhận phòng vào hôm sau, cô gái trẻ nhận được phản hồi khách sạn đã kín chỗ.

Mặc dù chứng minh đã đặt phòng và thanh toán thành công nhưng Thùy Trang vẫn không nhận được sự hỗ trợ từ khách sạn này, buộc phải tìm kiếm chỗ nghỉ khác giữa đêm.

“Đến nay, phía khách sạn thậm chí không có một lời xin lỗi hay giải quyết vấn đề cho mình. Riêng bên ứng dụng đặt phòng thì thiện chí hơn, hẹn hoàn lại tiền cho mình sau một tháng theo đúng quy trình, kèm một voucher thay cho lời xin lỗi”, Thùy Trang kể.

Trước đó, nữ blogger này cũng gặp tình cảnh “đặt một đằng, nhận một nẻo” khi tìm phòng khách sạn cho một người bạn. 9X kể, đã đặt phòng thành công tại một khách sạn có đáp ứng các tiêu chí mà người bạn đưa ra. Tuy nhiên, khi đến nơi, người này lại được hướng dẫn lưu trú tới một khách sạn xa lạ khác, thiếu nhiều tiện nghi.

Tương tự Thùy Trang, chị Hà Minh (sống ở TPHCM) cũng gặp sự cố “nhớ đời” khi lần đầu đặt phòng qua một ứng dụng online vì thấy “được nhiều khách hàng phản hồi rất tốt”.

Theo đó, người phụ nữ này đặt hai phòng hạng suite cho gia đình 4 người (hai vợ chồng và hai con nhỏ) tại một resort gần trung tâm TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) với giá 2,8 triệu đồng/đêm dịp cuối tuần.

Ban đầu, chị Minh tìm hiểu kỹ loạt hình ảnh và đánh giá về khách sạn này trên một trang ứng dụng trực tuyến. Thấy dịch vụ lưu trú tại đây đáp ứng được nhu cầu của gia đình và thuận tiện di chuyển tới nhiều điểm vui chơi trong thành phố nên chị đặt phòng và thanh toán online. Tuy nhiên, khi tới nơi, bà mẹ hai con hoàn toàn “vỡ mộng” vì phòng nhận được khác xa hình quảng cáo trên website.

“Trên ứng dụng, hạng phòng này được miêu tả gồm giường King thoải mái nằm và không gian trang trí rất đẹp mắt, thoải mái chụp hình “sống ảo”. Tuy nhiên, thực tế, phòng được trang bị giường khá nhỏ, loại đệm cũng không êm. Chưa kể mùi phòng khá ẩm mốc, thiếu ánh sáng tự nhiên và nội thất xuống cấp. So với giá trị thực, tôi thấy dạng phòng này chỉ ở mức 1,5 triệu thôi”, chị Minh nói.

Hay mới đây, nhiều du khách bức xúc vì mất cọc, sập bẫy lừa biệt thự “ma” ở Vũng Tàu. Chị Trang (Đồng Nai) cùng nhiều bạn bè đưa các con đến thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) du lịch vào đầu tháng 7.

Chị chia sẻ, cuối tháng 6, khi tìm hiểu để đặt nơi lưu trú cho đoàn, chị vô tình đọc được bài quảng cáo về Helios Villa. Thấy khu nghỉ này có hình ảnh đẹp, mức giá ưu đãi (giảm giá 50% vì mới khai trương) nên chị đặt luôn.

Tuy nhiên, khi đến địa chỉ trên, cả đoàn sững sờ khi không hề có căn villa nào tồn tại, xung quanh chỉ là các quán lẩu, cà phê. Chị Trang vội chụp ảnh, quay video để gửi cho fanpage của Helios Villa. Lúc này, chị giật mình nhận ra đã bị fanpage chặn liên lạc.

“Lúc này tôi biết mình đã bị lừa. Tôi mất trắng 2,5 triệu đồng tiền đặt cọc. Số tiền không lớn nhưng tâm trạng cả đoàn bị ảnh hưởng rất nhiều”, chị Trang thất vọng cho biết.

Rủi ro khi đặt phòng khách sạn qua ứng dụng online

Nhiều du khách đồng quan điểm cho rằng, việc đặt phòng khách sạn trước qua website hoặc ứng dụng online giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với đặt trực tiếp nhờ vào các chiết khấu, khuyến mãi được giảm trừ trên hệ thống.

Ngoài ra, thông qua các nền tảng ứng dụng đặt phòng đó, du khách có thể dựa vào thông tin, hình ảnh đánh giá sẵn để lựa chọn chỗ nghỉ phù hợp cho mình. Bởi vậy, dù tiềm ẩn rủi ro nhưng họ vẫn tìm kiếm và đặt dịch vụ lưu trú qua các ứng dụng online.

Theo blogger Thùy Trang, có nhiều lý do được đưa ra như lỗi hệ thống, khách sạn không còn hợp tác với đơn vị trung gian nhận đặt phòng, khách sạn đổi chủ,… Điều này khiến du khách bị mất tiền oan hoặc không có nơi lưu trú do đã hết phòng.

Một tình huống phổ biến khác mà du khách thường gặp khi đặt phòng qua ứng dụng online như cơ sở vật chất không giống với quảng cáo về khung cảnh, tiện ích. Một số nơi còn sử dụng hình photoshop hay lấy ảnh mạng để đánh lừa khách hàng.

“Nhiều người cho rằng chỉ cần đọc đánh giá và xem hình ảnh trên ứng dụng là đủ mà không biết, khách sạn có thể mua bình luận, thuê quảng cáo trá hình hay các nhận xét ảo để qua mắt khách hàng. Du khách phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ hoặc tham khảo trên các diễn đàn về du lịch, hỏi người quen về nơi mình sắp đến”, nữ blogger nhấn mạnh.

Hay các ứng dụng đặt phòng online thường cung cấp giá tốt cho du khách. Tuy nhiên, vào dịp lễ, ngày cao điểm, các khách sạn có thể đối mặt với tình trạng quá tải và khách sẽ bị từ chối nhận phòng.

Chưa kể, có trường hợp, khách đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì một số tiện ích tại khu nghỉ như wifi, bữa sáng, dịch vụ dọn dẹp phòng, giặt ủi, vị trí phòng toilet riêng hay chung,… cũng không được đề cập cụ thể trên ứng dụng, website. Hoặc một số nơi cung cấp dịch vụ đi kèm nhưng tính phí riêng với mức cao khiến du khách không khỏi bức xúc.

Đặc biệt, du khách cần lưu ý việc tin tặc có thể tấn công website để đánh cắp dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của bạn. Du khách phải hết sức thận trọng khi đăng ký thông tin thẻ của mình trên các hệ thống trực tuyến.

Lưu ý tránh “sập bẫy” khi đặt phòng khách sạn qua mạng

Lợi dụng tâm lý du lịch để giảm “cuồng chân”, “trả thù” dịch bệnh, nhiều đối tượng thực hiện các hình thức lừa đặt phòng qua ứng dụng trực tuyến nhằm “móc túi” khách hàng.

Để tránh “sập bẫy” các chiêu trò lừa đảo, du khách nên tìm hiểu các nguồn tham khảo như bạn bè, người quen hay diễn đàn về du lịch và đặt phòng qua những đơn vị, cá nhân đáng tin cậy.

Nếu đặt phòng qua mạng, du khách phải chọn hệ thống website hoặc ứng dụng uy tín và kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú đó. Các trang đặt khách sạn hiện nay hoặc các ứng dụng đặt phòng đều có phần đánh giá của khách hàng đã từng trải nghiệm và hình ảnh thực tế chụp được trong chuyến đi đó. Bạn nên kiểm chứng, cân nhắc độ tin cậy của những nhận xét, bình chọn này.

Đặc biệt, trước khi đặt cọc hoặc thanh toán, du khách cần gọi điện xác nhận thông tin, địa chỉ của khách sạn, resort này. Đồng thời, chủ động kiểm soát thông tin và liên lạc với bên website, ứng dụng đó để hạn chế tối đa các rủi ro như việc khách sạn đã dừng hợp tác với các ứng dụng đặt phòng hoặc đã đổi chủ, đổi thương hiệu nhưng ứng dụng chưa cập nhật thông tin mới,…

Ngoài ra, du khách cần lưu lại thông tin cuộc gọi với phía khách sạn, gồm việc xác nhận đặt phòng online, địa chỉ cụ thể của khách sạn có trùng khớp với thông tin đã nhận; các dịch vụ đi kèm có giống với quảng cáo,… hay một số chính sách về đổi trả phòng, hoàn tiền hoặc hướng dẫn sử dụng đồ trong phòng,…

Nguồn : danviet