Nhiều cơ hội đặt phòng khách sạn và tour chơi Tết giờ chót

Sức mua năm nay thấp nên hiện khách sạn hoặc tour cho mùng 2 đến mùng 5 Tết vẫn còn nhiều, dành cho du khách quyết định đi chơi giờ chót.

Một tuần trước Tết Nguyên đán, các công ty lữ hành vẫn nhận đăng ký tour Tết. Theo đánh giá từ các doanh nghiệp, sản phẩm tour trong nước năm nay được xây dựng đa dạng và tung ra sớm, nhưng sức mua yếu. Có một lượng khách nhất định vẫn mang tâm lý chờ đợi, đặt tour vào giờ chót.

Theo ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc kinh doanh Công ty Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion (Nha Trang), thời điểm này mọi năm khách đã chốt tour sôi động, thậm chí công ty phải đóng sổ vì quá đông. “Năm nay, lượng khách kém, chỉ lác đác vài nhóm nhỏ”, ông Nguyên nói và cho biết lý do là nhu cầu và mức thu chi giảm.

Tương tự, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Lữ hành Fiditour-Vietluxtour, cho biết thị trường Tết năm nay không như kỳ vọng. “Dựa vào đánh giá thị trường và nhu cầu, chúng tôi không đặt quá nhiều dịch vụ từ đối tác. Công ty hiện còn khoảng 10% các tour trọn gói vẫn cho khách đăng ký”, ông Dũng nói và cho hay các tour còn nhận khách chủ yếu đi đường bộ.

Các doanh nghiệp lữ hành khác cũng thừa nhận sức mua tour Tết so với trước dịch còn thua xa. “So với Tết 2019, lượng khách chốt dịch vụ sớm năm nay chỉ đạt gần 30%”, ông Nguyên nói. Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST Tourist tại TP HCM, tâm lý du lịch trả thù không còn nữa, lượng khách của công ty dịp Tết chưa đến 1.000 người, thấp hơn so với mọi năm. Các công ty lớn như Vietravel, khách đăng ký đạt gần 80% kế hoạch và vẫn chưa chốt sổ.

Nhiều năm gần đây do ảnh hưởng bởi Covid-19, xu hướng khách Việt thường chốt dịch vụ sát ngày khởi hành. Ngoài ra, họ tập trung nhiều vào các gói dịch vụ lẻ, sản phẩm Free and Easy (vé máy bay hoặc/và khách sạn). Lượng người đi du lịch tự túc tăng.

Khách đi tự túc không qua công ty du lịch thường đặt phòng khách sạn trên các website hàng đầu thế giới như Agoda hay Booking. Và hiện lượng phòng trống trên hai website này tại Sa Pa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… đều nhiều với giá không cao.

Phú Quốc, một trong những điểm đến thích hợp cho cả khách miền Bắc và miền Nam, đều còn phòng trống. Vinpearl, Crown Plaza, Pullman, Movenpick, Premier Residences những ngày mùng 2 và 3 Tết có thể dễ dàng đặt phòng với giá dao động 3-4 triệu đồng một đêm. Tại Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, các khách sạn và resort 4 đến 5 sao giá chỉ từ 500.000 đến hơn 3 triệu đồng và vẫn còn nhiều lựa chọn.

Đại diện một số công ty lữ hành cho hay, phòng khách sạn hay resort không khó đặt và còn số lượng lớn. Nhưng một trong những lý do khiến nhiều người không “mặn mà” với các chuyến đi dịp Tết này là do vé máy bay tăng, ngang mức cao điểm nghỉ hè. Vé khứ hồi của Vietnam Airlines từ TP HCM hoặc Hà Nội tới Đà Nẵng khoảng 5 triệu đồng một người, khứ hồi từ Hà Nội tới Phú Quốc của Bamboo Airways và Vietnam Airlines đều gần 7 triệu đồng một người.

Các điểm đến trong nước thu hút khách chủ yếu vẫn là Phú Quốc, Đà Nẵng, Đông – Tây Bắc gồm Sa Pa, Hà Giang, Hạ Long. Theo ghi nhận của Hội Lữ hành Đà Nẵng, lượng khách nội địa và quốc tế tăng nhẹ 20-30% so với ngày thường. Khách sạn, resort ở Đà Nẵng, lượng đặt phòng đạt hơn 50% công suất, chủ yếu tập trung vào những ngày từ mùng 1 đến mùng 3. Mức tăng không lớn nên không không gây áp lực lên việc cung ứng dịch vụ cũng như giá cả.

Tại Phú Quốc, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho hay chưa có thống kê lượng khách dịp Tết nhưng “dịch vụ dự đoán không quá tải, có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Đến tầm 30 Tết có thể vẫn còn khách đăng ký tour”.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết dù lượng khách mua tour nội địa Tết khá chậm nhưng vẫn sôi động ở thị trường quốc tế, đặc biệt với các quốc gia gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia. Đây là tín hiệu tốt để đẩy nhanh tốc độ phục hồi trong năm 2023.

Nguồn : vnexpress