TẠI SAO NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM CHƯA PHỤC HỒI MẠNH MẼ SAU DỊCH COVID-19?

Nhiều chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới đã xếp Việt Nam vào danh sách những địa điểm nên đến sau đại dịch toàn cầu vì nhiều cảnh đẹp và an toàn. Dẫu tình hình dịch bệnh ở nước ta đang được kiểm soát vô cùng tốt, việc giãn cách xã hội dần được nới lỏng, người dân cởi mở hơn trong giao tiếp và đi lại… thế nhưng, sự thật là ngành du lịch Việt Nam còn khá lâu mới có thể phục hồi mạnh mẽ…

Tắm biển, trải nghiệm hoạt động làng chài và thưởng thức đồ ăn ngon đường phố… là những hoạt động được chuyên trang du lịch của Mỹ gợi ý khi du lịch Việt Nam dịp hè

Cung luôn đợi nhưng Cầu lại chưa sẵn sàng

Hẳn ít, thậm chí không một ai từng nghĩ ngành du lịch rồi sẽ bế tắc và đóng băng bởi nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước là luôn luôn có. Ấy thế mà, dịch Covid-19 bùng phát và “chiếm cứ” nhiều tháng qua nghiễm nhiên “giết chết” ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh khó khăn đến buộc đóng cửa, nhân sự ngành nghỉ không lương đến mất việc… kinh tế nhìn chung kiệt quệ nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh được đánh giá cao nhưng sự ảnh hưởng tương tự là vô cùng rõ nét. Sau 2 đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ, việc kích cầu du lịch được đặc biệt khuyến khích với mục tiêu đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, nếu các điểm đến, nơi lưu trú, cơ sở ăn uống, khu vui chơi luôn trong tư thế và trạng thái tốt nhất để phục vụ các thượng đế thì một mặt, hiện tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, khách quốc tế vì thế mà chưa thể đến Việt Nam du lịch và làm việc –  mặt khác, phần đa khách hàng nội địa vẫn mang tâm lý e dè, lo ngại nguy cơ mất an toàn vì rất có thể, mầm bệnh vẫn còn đâu đó trong cộng đồng, họ vì thế mà cơ bản “triệt tiêu” nhu cầu đi du lịch và nghỉ dưỡng, hạn chế sử dụng dịch vụ công cộng hay có chăng cũng đi các chuyến ngắn ngày, theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân tự túc, thay vì sử dụng dịch vụ trọn gói như trước.

Hơn nữa, do hạn chế về tài chính hay việc học sinh, sinh viên cả nước tạm ngưng đến trường thời gian dài dẫn đến kỳ nghỉ hè truyền thống bị cắt giảm gần như tuyệt đối cũng khiến nhu cầu du lịch trở nên không thiết yếu, kéo theo mùa cao điểm của du lịch nội địa năm nay nhiều khả năng “mất trắng”…

Một bất cập khác phải kể đến chính là thói quen mua và thanh toán dịch vụ online trong dịch, du lịch tự túc hay mua lẻ các dịch vụ cơ bản được ưu tiên hơn nên dù tại các bãi biển, điểm tham quan hot dịp hè đông đúc trở lại ngay sau mùa dịch nhưng nhiều công ty lữ hành hay cơ sở lưu trú vẫn tiếp tục “ngủ đông” vì không bán được dịch vụ.

Khi nào thì ngành Du lịch Việt Nam thực sự phục hồi?

Không một cá nhân hay tổ chức nào có thể tự tin đưa ra một con số hay thời điểm nhất định cho thắc mắc trên. Bởi, rõ ràng, việc này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tiếp theo của dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch của các quốc gia và thời điểm chấm dứt dịch bệnh trên toàn cầu.

Thế nhưng, những dự đoán có căn cứ và nhiều hy vọng có thể xảy đến nếu tình hình dịch bệnh được khống chế tốt đến triệt để trong thời gian sớm nhất.

Theo dự báo từ Tổng cục Du lịch, du lịch nội địa sẽ mất khoảng 2-3 tháng để phục hồi – còn du lịch quốc tế phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm, thậm chí là hàng năm mới bắt đầu sôi động trở lại ở một số thị trường khách tiềm năng.

Cụ thể, ngành du lịch Việt sẽ có thể được phục hồi dần nhưng chậm; sớm thì từ tháng 6 tới đây cho đến cuối năm – hoặc cũng có thể phải từ cuối năm mới bắt đầu phục hồi, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài cho đến quý III.

Xu hướng nào nên được chú trọng lúc này?

Câu trả lời mà bất cứ ai trong ngành du lịch cũng có thể nhận thấy chính là: Tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa. Một số thị trường khách châu Á có khả năng hết dịch sớm cũng được đưa vào diện “chăm sóc đặc biệt”.

Theo đánh giá từ các tổ chức du lịch trong nước, hiện, có 3 xu hướng mà hầu hết khách nội sẽ ưu tiên lựa chọn sau mùa Covid-19, đó là: sức khỏe và an toàn – ưu tiên các điểm đến gần nhà hay các chuyến đi ngắn ngày – chi phí chuyến đi hợp lý.

Dễ thấy rằng, xu hướng này phù hợp với tâm lý chung của du khách ở thời điểm hiện tại khi quyết định lựa chọn du lịch. Cụ thể, phần đa mọi người đều quan tâm đến các yếu tố liên quan đến sự an toàn cũng như những thông tin về điều kiện y tế và khả năng hỗ trợ sức khỏe du khách tại điểm đến, cơ sở dịch vụ. Mặt khác, trong điều kiện hạn chế về tài chính cũng sẽ khiến nhiều người có xu hướng ưu tiên lựa chọn những điểm đến gần, trong khu vực hay trong nước với các tour ngắn ngày để chủ động trong mọi tình huống.

Do đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần nhanh chóng lên kế hoạch xây dựng các sản phẩm hay đưa ra các chính sách, chương trình khuyến mãi đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước chi tiêu mạnh tay sau dịch, nhất là nhóm đối tượng khách du lịch trẻ đã đi làm, ít bị tác động bởi tâm lý e dè, sợ hãi và đang bị kìm nén nhu cầu được đi do thời gian giãn cách xã hội kéo dài…

Nếu kích cầu tốt, du lịch nội địa sẽ là “cứu cánh” duy nhất của ngành du lịch Việt trong giai đoạn hiện nay

Việt Nam kỳ vọng sẽ chấm dứt dịch bệnh trong tháng 5 và mạnh tay hơn trong các giải pháp kích cầu để phục hồi ngành du lịch, trở thành một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới.

Ms. Smile

Nguồn: hoteljob.vn

Phần mềm quản lý khách sạn ; phan mem quan ly khach san ; phần mềm khách sạn ; phan mem khach san ; phan mem khach san nha hang ; phần mềm khách sạn nhà hàng