Nhiều công ty du lịch vẫn chật vật thoát cảnh “ngủ đông” khi các địa phương nới lỏng cách ly xã hội, người dân bắt đầu đi lại.
Theo chia sẻ của những người chuyên làm sản phẩm tour – tuyến trong nước, việc xây dựng tour du lịch thời điểm này gặp nhiều thách thức vì hầu hết dịch vụ trong chuỗi cung ứng đều chưa hoạt động trở lại. Vì thế, khó để có thể xây dựng được tour chất lượng với giá thành rẻ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Hanoi Redtours, cho biết công ty chỉ đang lên kế hoạch xây dựng tour. Thêm nữa, việc mở cửa đi lại giữa các địa phương vẫn chưa thống nhất, chủ yếu các ngành nghề kinh doanh, sản xuất có thể hoạt động lại, ngành dịch vụ vẫn phải kiểm soát vì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Thời điểm này, nếu có bán cũng chỉ là dịch vụ đơn lẻ như lưu trú, vận chuyển… Chúng tôi làm từng bước một trước khi có thể khởi động bán tour trọn gói trở lại”, ông Hoan nói.
Ngay cả khi chỉ bán dịch vụ đơn lẻ, để thu hút khách hàng trong thời điểm này, nhiều công ty phải chấp nhận “bỏ tiền túi” mua dịch vụ để tặng thêm cho khách. Hoặc thương lượng với đối tác để nâng hạng cho khách với giá không thay đổi. Để kích cầu, một khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Việt Nam đã tung ra chương trình tính phí một người đối với gia đình 4 thành viên nếu có người trong nhà làm du lịch; hoặc giảm giá cho nhóm 4 người.
Thực tế, thời điểm này không thuận lợi để khởi động lại dù nhiều công ty mong muốn du lịch nhanh chóng phục hồi. Theo bà Phan Yến Ly, Trưởng phòng phát triển sản phẩm của một doanh nghiệp lữ hành lớn ở TP HCM, mùa du lịch nội địa thường từ tháng 5 đến tháng 8, nhưng năm nay học sinh lại phải đến trường vào giai đoạn này. Bên cạnh xoay xở cuộc sống bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, các gia đình còn phải chuẩn bị học phí cho con.
“Các công ty đóng cửa hoạt động nên không có doanh thu. Việc đảm bảo được mức lương cho nhân viên đã là sự cố gắng chứ chưa nói đến việc tổ chức du lịch. Như vậy, du lịch nội địa muốn phục hồi, có thể sẽ phải đến tháng 1/2021”, bà Yến Ly nói.
Bà lấy ví dụ về phương pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Thái Lan khi dịch SARS bùng phát, thời điểm ấy ngành du lịch cũng điêu đứng nhưng nhanh chóng khởi sắc. Cụ thể, Chính phủ Thái Lan giao cho Tổng cục du lịch nước này (TAT) giới thiệu tour chỉ khoảng 4 triệu đồng – nhà nước bù lỗ khoản chênh lệch với giá tour thực tế. Sản phẩm này chuyển về cho các đơn vị lữ hành Việt Nam thực hiện, thu hút rất nhiều du khách.
Bà Yến Ly đề xuất, thay vì thực hiện gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như hiện nay, Chính phủ có thể hỗ trợ bù lỗ để giảm giá tour như Thái Lan đã làm, bởi “dù sao, cho cần câu vẫn hơn là cho con cá”.
Đồng quan điểm với bà Yến Ly, ông Lê Hòa Hiệp, Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Lữ hành của Đại học Công nghệ TP HCM, cho biết hiện nay các chuỗi cung ứng dịch vụ chưa đi vào hoạt động đồng bộ nên việc xây dựng tour sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, các hãng hàng không đang bị giới hạn về số chỗ, đường bay và cả tần suất bay nên lượng vé để cung cấp cho các đơn vị lữ hành không dồi dào như trước dịch. Xe vận chuyển du lịch đang bị giới hạn bởi quy định giãn cách xã hội – hạn chế số người trên tổng số ghế và tuyến đường di chuyển. Bên cạnh đó, các điểm tham quan trong nước chưa mở cửa đồng loạt, nên doanh nghiệp khó đưa vào đường tour.
“Khó có thể khẳng định các công ty sẽ có khách ngay, kể cả khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, thị trường vẫn có nhu cầu đi lại và sử dụng các dịch vụ. Vì thế, đa phần các đơn vị lữ hành thời điểm này đều lên kế hoạch bán tour Free and Easy”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp nhận định các công ty du lịch đang tập trung lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch hướng tới tiêu chí an toàn. Đường tour sẽ thiên về biển đảo, khám phá miệt vườn và trải nghiệm có không gian mở với chặng đường ngắn.
Đến nay, nhiều điểm tham quan du lịch đã sẵn sàng mở cửa trở lại. Tại TP HCM, Khu du lịch (KDL) Đầm Sen đã có kế hoạch phục vụ khách dịp lễ 30/4. Tuy nhiên, “tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và chủ trương chung, Đầm Sen mới có những gói ưu đãi phù hợp với du khách và các đối tác lữ hành”, đại diện KDL Đầm Sen nói.
Đại diện Sở Du lịch TP HCM khẳng định, đơn vị này đã xây dựng xong bộ tiêu chí “An toàn du lịch mùa Covid-19”, đang trình lên UBND TP và chờ phê duyệt. “Ngay sau khi bộ tiêu chí được duyệt, chúng tôi sẽ công bố để du khách và người dân được biết”, đại diện Sở Du lịch nói.
Ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho hay, trước mắt địa phương này chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống Covid-19 như phun khử trùng tại các điểm tham quan. “Hiện nay, giá vé tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn chỉ 20.000 đồng. Thấp hơn nhiều các địa phương khác nên không giảm”, ông Hà nói.
Còn tại Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết cơ quan này đang xin ý kiến của tỉnh về việc giảm giá sâu trong một giai đoạn ngắn để tạo cú hích cho thị trường sau dịch. Theo ông, các điểm đến, di tích đã đưa ra gói khuyến mại “mua 10 tặng 1”; giảm từ 30 – 40% giá trước dịch, nên chương trình ưu đãi có thể vẫn được duy trì.
Cũng theo ông Phúc, việc mở cửa phục vụ khách du lịch tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi địa phương. Một số nơi hoạt động trở lại vẫn phải thực hiện quy định đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn…
Nguồn : vnexpress
Phần mềm quản lý khách sạn ; phan mem quan ly khach san ; phần mềm khách sạn ; phan mem khach san ; phan mem khach san nha hang ; phần mềm khách sạn nhà hàng