Tư vấn du lịch: Du lịch an toàn trong mùa dịch
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng lên đường ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng, bạn cần tuân thủ tuyệt đối những quy tắc sau:
Tìm hiểu kỹ nơi đến
Cho dù đi du lịch khi có dịch bệnh hay không, điều đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu kỹ nơi đến. Trong hoàn cảnh không có dịch, bạn phải tìm hiểu về vị trí địa lý, đặc điểm thời tiết, môi trường văn hóa, phong tục tập quán… ở nơi đến để tránh những điều không hay, đồng thời hiểu hơn về vùng đất đó. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc tìm hiểu thông tin nơi đến rất cần thiết để bạn lên kế hoạch cho hành trình, các điểm tham quan, nơi lưu trú, ăn uống và phương án phòng dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. Nếu tình hình dịch bệnh nơi đến đang diễn biến phức tạp, hãy tìm cách hủy hoặc lùi thời gian đến khi thích hợp.
Tuân thủ các biện pháp phòng dịch
Dịch COVID-19 khiến nhiều du khách phải quen dần với các biện pháp phòng dịch khi đi du lịch. Bạn hãy tập thói quen luôn đeo khẩu trang, mang theo nước sát khuẩn và sử dụng liên tục để tránh nguy cơ lây nhiễm. Việc đeo khẩu trang có thể gây khó chịu, nhưng hiện nay trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại có chất liệu thoáng mát, được thiết kế tiện lợi và thời trang nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người dùng. Thậm chí, nhiều du khách hiện còn coi việc chụp ảnh đeo khẩu trang khi đi du lịch là “trend” (mốt) bởi nó ghi dấu một giai đoạn khác biệt trong lịch sử nhân loại.
Hạn chế tiếp xúc
Giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc là một trong những biện pháp phòng dịch hiệu quả. Nếu phải xếp hàng ở những nơi công cộng như nhà ga, bến tàu, sân bay, rạp chiếu phim hay khu vui chơi giải trí…, bạn cần tuân thủ việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế tiếp xúc với người lạ, không nên chen chúc ở nơi đông người và tránh tối đa việc giao dịch bằng tiền mặt. Bạn có thể truy cập vào trang web của những điểm vui chơi giải trí, công viên, bảo tàng… để đặt vé và thanh toán trực tiếp trên mạng. Với những giao dịch mua bán trong các cửa hàng, siêu thị, hãy sử dụng ví điện tử, công cụ thanh toán trực tuyến hoặc thẻ tín dụng nhằm tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Tư vấn du lịch an toàn : Cách xử lý tai nạn khi đi du lịch
Đuối nước
Du khách có thể bị đuối nước khi tắm ở biển, ao, hồ. Nguyên nhân là do chuột rút hoặc gặp sóng lớn, vùng nước xoáy. Khi cứu người bị đuối nước, bạn cần nhanh chóng kéo tóc nạn nhân để đầu nhô lên khỏi mặt nước, tát thật mạnh để nạn nhân tỉnh lại. Sau đó, đưa nạn nhân vào bờ, tiến hành hô hấp nhân tạo cho đến khi mạch đập trở lại và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.
Say nắng
Những biểu hiện thường gặp khi say nắng là nhiệt độ cơ thể tăng tới 39 – 40oC, da và môi khô rộp, tụt huyết áp, tiểu ít; nặng hơn có thể bị ngất và lên cơn co giật. Lúc này, bạn nên đưa người bị say nắng vào nơi râm mát, nới rộng trang phục rồi dùng khăn ướt hoặc đá lạnh chườm lên trán, gáy, ngực, cánh tay… Sau đó, hãy cho họ uống nước muối loãng hoặc dung dịch Oresol để bù nước. Nếu họ vẫn hôn mê, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất và tiếp tục chườm, bù dịch trong suốt đường đi.
Rắn cắn
Nếu bạn đi leo núi hoặc trekking (đi bộ) xuyên rừng, hãy cẩn thận với nguy cơ bị rắn cắn. Khi gặp phải tình huống này, hãy bình tĩnh xác định đó là rắn lành hay rắn độc bằng cách nhìn vết răng. Nếu là rắn thường sẽ để lại vết hai hàm răng, còn rắn độc sẽ chỉ có hai vết răng nanh cách nhau 5mm.
Khi đã xác định bị rắn độc cắn, người bị nạn cần được ngồi yên, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Tiếp đó, dùng dao đã được tiệt trùng rạch một đường tại vết răng nanh rồi nặn ra ít máu. Cuối cùng, sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc nước muối rồi băng vết thương lại và đưa người bị rắn cắn đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý vết thương, tránh để nọc độc phát tác khắp cơ thể.
Ong đốt
Triệu chứng thường gặp sau khi bị ong đốt là phù mặt, khó thở, đau buốt, thậm chí liệt thần kinh, suy gan thận… Vì vậy, khi bị ong đốt, bạn cần nhanh chóng rửa vết thương rồi chườm lạnh, sau đó đến cơ sở y tế để gắp vòi ong. Nếu bị nặng, bác sĩ có thể chỉ định lọc máu để cứu tính mạng hoặc tránh các di chứng cho nạn nhân.
Tư vấn du lịch an toàn : Thêm mẹo nhỏ cần biết khi đi du lịch
Mang giày dép phù hợp
Giày dép đóng vai trò quan trọng trong chuyến đi. Nếu không muốn đôi chân phồng rộp, nhức mỏi, mang theo giày thể thao, dép thấp, đế bằng, được làm từ da mềm hoặc vải. Mang giày dép phù hợp sẽ giúp bạn thoải mái di chuyển trong thời gian dài.
Nếu đi biển, hãy mang theo một đôi dép nhẹ, thoáng để đi dạo. Nếu đi máy bay, đừng đi dép lê vì vừa bất lịch sự, lại không giúp bạn tránh khỏi những thương tích có thể gặp do những vật sắc nhọn, thời tiết nắng nóng hay trong những trường hợp khẩn cấp.
Đặt chỗ trước tại phòng chờ sân bay
Nếu chuyến bay của bạn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, hãy đặt trước một phòng chờ ở sân bay để có không gian riêng tư, yên tĩnh và có thể thưởng thức các loại đồ uống, thực phẩm, đọc sách báo miễn phí hoặc tranh thủ làm việc. Đừng nghĩ việc này sẽ khiến bạn mất một khoản chi phí vô ích, ngược lại nó sẽ giúp bạn có thêm năng lượng cho chuyến bay dài đầy mệt mỏi và nhàm chán.
Mang theo đồ khoác
Trong bất cứ thời tiết nào, dù lạnh hay nóng, bạn cũng nên mang theo đồ khoác ngoài. Một chiếc áo dày rất cần khi đến vùng lạnh. Một chiếc áo khoác có mũ cho thời tiết vừa phải sẽ giúp bạn tránh nắng, gió bên ngoài và không khí lạnh từ hệ thống điều hòa… Ngay cả vào mùa hè, áo khoác có mũ vẫn hữu ích trong việc chống nắng. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng một chiếc khăn choàng to để ngoài công dụng che nắng, gió, nó có thể thay cho tấm thảm để phơi nắng trên bãi biển hay một chiếc váy mặc bên ngoài đồ tắm hoặc trở thành đạo cụ chụp ảnh duyên dáng. Cuối cùng, chiếc khăn này còn có thể được dùng thay băng gạc khi bị thương.
Mang theo chanh
Nếu bạn đi du lịch theo hình thức tự khám phá tại các vùng hẻo lánh, hãy mang theo một quả chanh để phòng trường hợp phải đợi nhiều ngày mới được tắm rửa. Khi đó, hãy bổ đôi quả chanh và đặt dưới vòi nước chảy. Hương thơm của chanh có thể thay thế xà phòng làm sạch mùi cơ thể và có tác dụng giải độc, thư giãn. Ngoài ra, khi bị muỗi hay côn trùng cắn, thoa chanh lên vết cắn sẽ giúp bạn bớt đau và mau lành.
Nguồn : 24h.com.vn
Xem thêm :