Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm chung về văn hóa, địa lý nhưng khách quốc tế thích xứ chùa Vàng hơn, một phần nhờ cách làm du lịch tạo sự khác biệt.
Grant Wilson (61 tuổi, Australia) từng ở Việt Nam trong 6 năm và đến Thái Lan hơn 30 lần. Ông yêu Việt Nam, thích đậu hũ nóng và có thể ăn 4-5 lần một tuần. Với người đàn ông này, Việt Nam có phong cảnh đẹp, đồ ăn ngon và người dân vui vẻ, dù Grant từng bị giật điện thoại.
Nhưng khi so sánh về du lịch giữa hai quốc gia, ông cho rằng các trung tâm mua sắm và chợ cho du khách tại Thái đa dạng, phù hợp với người phương Tây. Chất lượng hàng hóa cũng cao hơn. Phương tiện công cộng tại Thái Lan thuận tiện, ai cũng có thể sử dụng. Tại Việt Nam, Grant chỉ biết đi xe ôm hoặc xe buýt. Cuộc sống về đêm ở Việt Nam khá “buồn” nếu đặt lên bàn cân với “những khu đèn đỏ” ở Pattaya hay Bangkok.
Hệ thống giao thông công cộng của Thái Lan, đặc biệt ở Bangkok, phát triển và đa dạng. Từ sân bay Suvarnabhumi về trung tâm khoảng 25 km, du khách có thể đi tàu với giá 35 baht (25.000 đồng), thời gian khoảng 30 phút. Trong Bangkok, đi tàu điện trên cao (BTS) hay tàu điện ngầm (MRT) đều thuận tiện nhờ số lượng nhà ga trải dài. Ngoài ra còn có taxi, xe buýt, tuk tuk.
Tại Việt Nam, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng vẫn hạn chế. Du khách có thể sử dụng tàu điện tuyến Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến này không kết nối nhiều điểm du lịch chính của thành phố. Xe buýt là lựa chọn giá rẻ, dễ đi nhưng chậm nếu vào giờ tan tầm. TP HCM cũng tương tự.
“Việt Nam sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp hơn Thái Lan nhưng khâu bảo tồn kém. Ở Thái Lan, bạn có thể vào các công viên quốc gia và dễ dàng nhìn ngắm những con vật hoang dã như hổ, voi. Tại Việt Nam, hổ gần như tuyệt chủng và voi hoang dã chỉ có thể thấy ở một số nơi như Yok Don (Đăk Lăk)”, Grant nói thêm.
Leoni Becker, blogger du lịch người Đức từng tới cả Việt Nam lẫn Thái Lan, còn cho rằng Thái Lan có sức hấp dẫn đặc biệt lớn với người trẻ nhờ những bữa tiệc sôi động như “full moon party”, tiệc trăng tròn tại Koh Phangan.
Các con số cũng chứng minh Thái Lan làm tốt hơn Việt Nam trong khía cạnh hút khách du lịch. Năm 2019 được coi là “đỉnh cao” của du lịch Việt với khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu 18,3 tỷ USD. Tuy nhiên, các con số này còn cách xa 39,8 triệu và 60 tỷ USD của Thái Lan trong cùng năm.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel, nhận xét các sản phẩm du lịch ở Thái Lan có thể gói gọn trong “6 chữ S” gồm Sun (thời tiết ấm áp, nắng quanh năm), Sea (những bãi biển đẹp), Shopping (mua sắm), Service (dịch vụ), Show (các chương trình biểu diễn) và Sex (tình dục). Việt Nam có thể ngang hàng, thậm chí nhỉnh hơn Thái Lan về khía cạnh thiên nhiên nhưng cách làm dịch vụ, kiếm tiền từ du khách lại chưa bằng.
“Chúng ta bỏ qua yếu tố ‘Sex’ vì văn hóa. Ở những khía cạnh khác, Việt Nam cũng có nhưng không thể “all in one” (tất cả trong một) như Thái Lan. Du khách tới Thái Lan dễ tận hưởng hết mọi thứ trong cùng một nơi như Bangkok, Phuket, Pattaya”, ông Đạt nói.
Phuket và Pattaya, thiên đường nghỉ dưỡng, ăn chơi của khách Tây khi tới Thái Lan, có nhiều show diễn nghệ thuật, show diễn người lớn để phục vụ thú chơi đêm của du khách. Bangkok không có biển nhưng các điểm chơi đêm đa dạng như chợ đêm, phố Tây như Nana, Soi Cowboy đông vui từ khoảng 0h và chỉ hạ nhiệt vào 4-5h hôm sau.
5 năm trước Covid, Bangkok có bốn năm (từ 2016 đến 2019) dẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố hút khách quốc tế nhất thế giới. Chỉ năm 2015 nước này đứng thứ hai, sau London. Thái Lan cũng thường xuyên xuất hiện trong top 10 điểm đến hút khách trên thế giới.
Việt Nam cũng có nhiều bãi biển đẹp được thế giới công nhận như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng hay Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, hoạt động về đêm chưa được khai thác tốt và không đa dạng. Tại Hà Nội, khu phố đi bộ chỉ được mở vào cuối tuần và chưa có nhiều hoạt động giải trí cho khách nước ngoài. Các phố Tây như Bùi Viện (TP HCM) hay Tạ Hiện (Hà Nội) chủ yếu chỉ có quán bar và phải đóng đóng cửa vào 2h.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho rằng “người Thái đã xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ như ăn uống, lưu trú, vận chuyển, giải trí, mua sắm có tính kết nối chặt chẽ”. Du lịch là ngành dịch vụ số một và người Thái có nhiều chính sách ưu tiên phát triển.
Thái Lan nổi tiếng chiến thuật “móc hầu bao” du khách 3G (Get them in – Đưa khách vào, Get their money – Lấy tiền của họ và Get them out – Tiễn khách). Theo thống kê được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam năm 2018, khách quốc tế dành thời gian ở Việt Nam và Thái Lan ngang nhau (9 ngày). Tuy nhiên, chi tiêu mỗi ngày tại Thái Lan là 163 USD một người, tại Việt Nam là 96 USD.
Ông Long cũng cho rằng người Thái “uyển chuyển” trong việc đưa ra các chiến dịch, chính sách tiên phong, đón đầu xu hướng và tiêu dùng. Khi ngành du lịch nhiều nơi trên thế giới vẫn loay hoay với đại dịch, Thái Lan đã trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên mở cửa với “Hộp cát Phuket” năm 2021. Năm 2022, nước này đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất khu vực, trong khi Việt Nam không đạt được mục tiêu 5 triệu. Năm 2023, Thái Lan đặt mục tiêu đón ít nhất 25 triệu khách quốc tế và tới 2027 đạt 80 triệu khách.
Theo ông Long, Thái Lan và Việt Nam có nhiều đặc điểm chung về địa lý, văn hóa nhưng cách làm du lịch của họ đã tạo sự khác biệt. Việt Nam nên học hỏi và “chắt lọc” mặt tốt để đưa du lịch Việt Nam phát triển hơn.
Nguồn :