Bấy lâu nay, dường như các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đang đặt sai kỳ vọng về vấn đề nguồn nhân lực ngành. Thực chất kỳ vọng ở đây là gì? Bản chất vấn đề nên được xử lý như thế nào? Hãy tìm hiểu cùng itcs.vn.
► Trường nghề – Khách sạn: Kỳ vọng gì về nhau?
Không khó để chúng ta nhận thấy rằng, đa số các trường đào tạo nghề khách sạn hiện nay đều băn khoăn “làm sao để đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp” còn đơn vị sử dụng lao động thì lại than phiền “luôn phải đào tạo lại các em sinh viên”. Tức là nhà trường mong muốn các doanh nghiệp tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ các đơn vị đào tạo trong công tác dạy nghề “thực” – đáp ứng đúng nhu cầu “thật” của khách sạn – để không phải “đào tạo lại”. Và các khách sạn kỳ vọng nhà trường dạy và trang bị kỹ năng nghề thật vững cho học viên để làm sao khi bước chân vào môi trường thực tế là có thể làm việc được ngay.
Thoáng qua thì đây hoàn toàn là những mong muốn chính đáng ở vai trò – vị thế tương ứng. Tuy nhiên, nếu xét về bản chất, dường như cả 2 phía đang kỳ vọng sai về nhau. Vậy thì nó sai ở chỗ nào? Và…
► Vì sao khách sạn bắt buộc phải đào tạo kỹ năng nghề cho nhân viên mới?
Chúng ta cần phải thừa nhận rằng: Không có bất kỳ trường lớp đào tạo các học viên chuyên ngành khách sạn nào trong thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay thậm chí 4 năm ra trường là có thể làm tốt tất cả mọi việc được ngay. Bởi nghề khách sạn có đến hơn 500 quy trình nghiệp vụ và hàng nghìn tình huống khác nhau mà chỉ có “nghề mới dạy được nghề”. Đó là còn chưa kể đến, bộ quy trình của Marriott sẽ khác với Mường Thanh hay Hyatt có bộ quy trình không giống Accor… Và nhân viên thì không thể đem quy trình học được từ khách sạn này áp dụng cho thương hiệu kia. Do đó, lẽ dĩ nhiên khách sạn bắt buộc phải đào tạo kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên mới phù hợp với đặc thù phục vụ của chính đơn vị mình.
Với ngành dịch vụ khách sạn, học trong trường là một chuyện, khi bước chân vào nghề – một hành trình học mới lại mở ra. Ở môi trường làm việc, người quản lý – đồng nghiệp của nhân viên mới chính là thầy dạy nghề, công việc thực tế tại khách sạn với vô số tình huống “muôn hình vạn trạng” tiếp xúc từ khách hàng là trường dạy nghề. Và hành trình học – tiếp thu – vận dụng như thế nào sẽ quyết định con đường thăng tiến của mỗi cá nhân làm nghề.
► Vậy thì các trường dạy nghề cần dạy sinh viên cái gì?
Theo quan điểm của tác giả sách, chuyên gia tư vấn và đào tạo Bùi Xuân Phong:
“Các trường dạy nghề từ bậc trung cấp, cao đẳng đến đại học cần chú trọng hướng nghiệp cho sinh viên và dạy thái độ, tư duy làm việc. Hướng nghiệp để sinh viên nào thấy nghề khách sạn không chọn mình thì sớm tìm nghề khác phù hợp. Đỡ tốn tiền, thời gian của bản thân, của gia đình, của nhà trường và của doanh nghiệp. Nhà trường cần tập trung vào dạy thái độ và tư duy làm việc thông qua các quy trình nghề và tình huống nghề.”
Về phần doanh nghiệp, họ cần đội ngũ tân binh có thái độ và tư duy làm việc phù hợp với nghề khách sạn để doanh nghiệp chỉ mất tối đa 2 tháng dạy kỹ năng nghề cho các em. Dạy kỹ năng nghề tại doanh nghiệp rất nhanh và rất dễ. Dạy thái độ và tư duy làm việc mới tốn thời gian và công sức mà tốc độ phục vụ và cường độ công việc tại doanh nghiệp không cho phép các nhà quản lý toàn tâm ý dạy dỗ các em.
Vừa dạy, vừa dỗ thái độ và tư duy làm việc là nhiệm vụ cốt lõi của trường nghề. Doanh nghiệp sẵn sàng dạy kỹ năng nghề cho người lao động có thái độ và tư duy làm việc và cũng sẵn sàng loại bỏ người lao động không có thái độ và tư duy làm việc”…
Ngoài yếu tố Knowledge (Kiến thức) + Attitude (Thái độ) – các trường nghề cũng cần trang bị nền tảng cơ bản về Skill (Kỹ năng) cho học viên, mặc dù vẫn còn nông hơn so với doanh nghiệp và chưa chuyên môn hóa cho từng Tập đoàn nhưng tập hợp của 3 yếu tố K – A – S là cơ sở để nhà tuyển dụng chuyên ngành lọc ứng viên tiềm năng và đưa ra quyết định tuyển nhân sự phù hợp…