Khôi phục chính sách visa như trước dịch, mở cửa với điều kiện cởi mở nhất… là những đề xuất của người làm du lịch để Việt Nam hút khách quốc tế.
Từ 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa du lịch. Các doanh nghiệp đều nhận định, không thể đông khách ngay thời gian đầu bởi cần một độ trễ nhất định. Nhưng trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong khu vực, đều đã mở cửa, Việt Nam cần có những giải pháp để tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Khôi phục chính sách thị thực và visa điện tử
Tại diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” sáng 11/3, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh, nhận định Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.
Có 8 vấn đề đặt ra khi mở cửa, một trong đó là tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch đề xuất khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương, song phương và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường tiềm năng, như trước Covid-19. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã có đề xuất với Chính phủ gỡ bỏ các hạn chế về chính sách nhập cảnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis – đơn vị tổ chức tour Sơn Đoòng, đề xuất thêm các bộ thống nhất cơ chế chung về cấp visa, thành một đầu mối để đơn giản hóa thủ tục cho khách du lịch. “Tôi cho rằng Việt Nam có thể không cần miễn phí visa nhưng thủ tục phải thuận tiện như cho phép làm visa online 1, 3, 6 tháng hay một năm. Tiếp theo là gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh”, ông nói.
Điều kiện thuận lợi cho du khách
Hiện nay trên thế giới có hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ miễn xét nghiệm Covid-19 cho khách quốc tế. Nhiều điểm đến với chính sách cởi mở như Dubai, Thái Lan đang dần thu hút lượng khách lớn. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, bày tỏ sự lo lắng Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội vàng phục hồi du lịch nếu quy định thắt chặt.
Bà đề xuất Việt Nam công nhận kết quả test nhanh hoặc RT-PCR của du khách. Sau khi vào Việt Nam, khách âm tính là có thể du lịch bình thường. “Nếu như vậy, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp lữ hành có cơ hội đón khách từ tháng 4”, bà nói.
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) có đề xuất cởi mở hơn tới Chính phủ. Cụ thể nên bỏ quy định xét nghiệm trước và sau khi đến Việt Nam. Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên TAB, cho rằng du khách nội địa và quốc tế nên được tham gia hoạt động du lịch giống như nhau. Nhiều điểm đến trên thế giới đã mở cửa song quy định chặt chẽ nên kém hấp dẫn du khách.
Thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam
Tới nay, chỉ có 15 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, dẫn tới khách Việt du lịch nước ngoài gặp khó khăn, khiến hàng không chưa thể tăng cường các chuyến bay vì thiếu khách hai chiều. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất Bộ Ngoại giao phối hợp với Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam.
Nghiên cứu thị trường và truyền thông
Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 50%, song hiện hai quốc gia này hiện chưa cho phép người dân đi du lịch. Ông Châu Á cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng đối tượng khách, hướng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ. Để làm được điều này cần đầu tư kinh phí nghiên cứu thị trường, qua đó xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách sau Covid-19.
Truyền thông trực tiếp tới du khách sẽ đem lại hiệu quả cao, song đây không chỉ là nhiệm vụ của cấp quản lý. Bên cạnh tham gia các hội chợ quốc tế, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp cần chi phí lớn vào kênh truyền thông thế giới. Địa phương lớn, trung tâm du lịch trên cả nước mạnh mẽ truyền thông theo cách mới. Ông Á ví dụ như Hà Nội, cần đẩy mạnh hơn vai trò “trung tâm du lịch miền Bắc”, quảng bá cho cả các vùng lân cận như Hạ Long, Ninh Bình… Du khách quốc tế không quan tâm về ranh giới địa lý, song sẽ lựa chọn Hà Nội nếu biết có thể đến vịnh Hạ Long bằng 3 giờ xe hoặc tới Tràng An trong 2 giờ.
Thu nhỏ phân chia cấp độ dịch
Thái Lan, Indonesia… đã mở cửa du lịch từ sớm nhưng cũng phải nhiều lần điều chỉnh quy định mới có được sự thông thoáng và chắc chắn như hiện nay. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho rằng Việt Nam dù mở cửa sau cũng không mất lợi thế so với các nước trong khu vực nếu có chính sách hợp lý và dễ vận dụng.
Chính sách phân loại cấp độ dịch trong nước hiện gây khó khăn cho du khách. Ông Hoan ví dụ hiện Hà Nội có các vùng chuyển cam nên nhà hàng không được bán tại chỗ, điểm tham quan đóng cửa. Sau khi khách du lịch vào Việt Nam, các địa phương đổi màu sẽ gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong tour du lịch. Vì thế ông cho rằng nên phân chia cấp độ dịch theo đơn vị hành chính nhỏ nhất có thể, tạo sự thoải mái cho du khách.
Hiện vẫn còn một số địa phương với quy định đón khách khác nhau. TS Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, nhấn mạnh đã mở cửa là phải đồng bộ, mỗi địa phương một kiểu gây bối rối cho du khách. Là tác giả của thông điệp 5K, ông cũng cho rằng hiện nay thông điệp này có thể linh hoạt. Khẩu trang cần áp dụng tối đa; khử khuẩn quan trọng; khoảng cách có thể chia thành từng nhóm, đoàn và hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn.
Năm 2019 khi chưa có Covid-19, Việt Nam đón hơn 18 triệu khách nước ngoài. Dự kiến 2022, sau khi mở cửa, có khoảng 5 triệu khách sẽ đến nước ta.
Nguồn : vnexpress