Xin visa vào Việt Nam: Mọi con đường đều qua dịch vụ

Thủ tục phức tạp, website xin visa thiếu chuyên nghiệp, thời gian phản hồi lâu khiến nhiều người nước ngoài đều phải nhờ tới dịch vụ.

Melissa, du khách Australia, dự định đến Việt Nam từ Indonesia cùng ba thành viên trong gia đình ngày 21/12/2022 nên đã xin e-visa trước đó 10 ngày, nộp phí đầy đủ. Website của Cục Xuất Nhập cảnh Việt Nam thông báo “e-visa sẽ được xử lý trong 3 ngày làm việc kể từ khi Cục nhận được hồ sơ hoàn chỉnh và phí thị thực đầy đủ”.

Một tuần sau khi đăng ký, hồ sơ của Melissa được chấp thuận, nhưng ba hồ sơ của chồng và hai con được trả về kèm yêu cầu cung cấp ảnh chân dung khác. Gia đình Melissa gửi lại ảnh, đồng thời lùi lịch trình ba ngày (24/12/2022). Nhưng quá thời gian vẫn không có phản hồi nào. Họ ra sân bay vào ngày ấn định với hy vọng có thể đến Việt Nam, nhưng bị từ chối.

“Ảnh của gia đình tôi có vấn đề nên không được duyệt nhưng thời gian chờ phản hồi quá lâu. Tôi gửi lại ảnh và hiện (3/2023) vẫn không nhận được câu trả lời”, cô nói.

Gia đình Melissa trở lại Bali, tìm kiếm dịch vụ làm visa nhanh, uy tín để vào Việt Nam. Họ tìm được một người Việt nhận làm dịch vụ này với giá hơn 100 USD một người, trong khi chi phí thực tế là 25 USD. Nữ du khách nói chuyến đi Việt Nam rất tuyệt nhưng các thủ tục về visa khiến cô không hài lòng.

Lili Stevens, nữ du khách Australia, cũng không hài lòng với thủ tục làm visa của Việt Nam. Cô cũng phải chờ đợi lâu để nhận được phản hồi sau khi gặp lỗi tương tự về ảnh như Melissa. Sau đó, cô đã chọn giải pháp làm dịch vụ thay vì tiếp tục chờ. “Thủ tục visa của Việt Nam lâu hơn hầu hết quốc gia châu Á khác”, cô nói.

Nhân viên của một đơn vị làm dịch vụ visa có trụ sở ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết nhiều khách tìm đến họ vì gặp vấn đề này.

Tại mục “Hình ảnh người nước ngoài”, Cục Xuất Nhập cảnh Việt Nam có đưa ra hai ảnh mẫu nhưng không có hướng dẫn cụ thể. Trong khi tại mục “Những câu hỏi thường gặp”, có hai yêu cầu với ảnh: Ảnh chân dung cỡ 4×6, nhìn thẳng, không đeo kính và Ảnh hộ chiếu toàn trang, bao gồm ảnh, thông tin cá nhân, dòng ICAO (dòng mã đọc trên máy).

“Đôi khi không phải do phía Việt Nam, còn do khách nữa. Một số khách còn gửi ảnh cởi trần và che mất dòng ICAO”, người này nói.

Về việc phản hồi chậm với yêu cầu xin visa, nhân viên trên không bình luận nhưng nhấn mạnh đơn vị của mình có thể làm mọi thứ dễ dàng hơn. Bên cạnh việc đã quen làm, họ có “những bí mật riêng không thể chia sẻ.” Dù vậy, cô nhận xét giao diện website xin e-visa của Việt Nam có quá nhiều vấn đề, khiến du khách bối rối, dẫn đến sai sót.

Melissa còn nói thêm trang web trông thiếu chuyên nghiệp. Cô nhận ra lỗi chính tả trong phần nộp đơn xin e-visa. Tại mục “Inviting/guarentering agency/organization (if any)” (Đơn vị, tổ chức mời, bảo lãnh nếu có), từ “guarentering” lẽ ra phải là “guaranteeing. Cô đã phải kiểm tra lại nhiều lần để chắc đây là trang web chính thức.

Sterre Kardinaal, du khách Hà Lan, từng đến Việt Nam đầu năm 2023, còn cho rằng trang web “như một trang giả mạo”. Subhadeep Pal, du khách Ấn Độ, nói anh bị “rối não” bởi quá nhiều website nộp visa Việt Nam với giao diện đẹp hơn website chuẩn.

Đây cũng là điều ông Phạm Hà, CEO Lux Group, từng đề cập. Đại diện doanh nghiệp này nói trang web làm e-visa của Việt Nam có tên miền khó nhớ, khách vào xem chỉ có hai ngôn ngữ lựa chọn là tiếng Anh và tiếng Việt. Giao diện “cổ lỗ”, khó trả tiền và nộp xong cũng không biết được chấp thuận không.

Mặt khác, ông Hà cũng nói thêm không chỉ e-visa, visa on arrival của Việt Nam cũng có vấn đề. Thay vì khách đến sân bay và dán visa, trả tiền, Việt Nam yêu cầu khách phải có giấy duyệt visa trước mới được phép lên máy bay. Để có giấy duyệt visa, du khách phải xuất trình vé máy bay hai chiều. Ông Hà cho rằng khâu này “phức tạp, không tiện cho khách”.

Thái Lan áp dụng visa on arrival với 19 nước nhưng không yêu cầu giấy duyệt visa trước. Du khách cần chứng minh vé máy bay hai chiều đã thanh toán. Campuchia không yêu cầu thủ tục gì trước với công dân các nước được phép xin visa on arrival. Khi lên máy bay, du khách được phát thẻ khai nhập cảnh để điền. Xuống sân bay ở Campuchia, du khách mang thẻ này kèm hộ chiếu, tiền mặt tới vị trí định sẵn để nộp tiền.

Mọi con đường đều dẫn tới dịch vụ

Chia sẻ với VnExpress, Cindy Vũ, người có kinh nghiệm 7 năm làm dịch vụ visa, cho hay hiện khách nước ngoài muốn đến Việt Nam sẽ xin visa theo hai hình thức: e-visa và công văn chấp thuận thị thực. Cô cho hay visa on arrival của Việt Nam không giống các nước nên về bản chất, loại này chính là công văn chấp thuận thị thực.

Với e-visa, du khách trong danh sách 80 nước được nộp trên mạng. Loại visa cần công văn chấp thuận thị thực bắt buộc phải qua các công ty làm dịch vụ được cấp phép. Những đơn vị như của Cindy Vũ sẽ đứng ra tiếp nhận hồ sơ và bảo lãnh cho du khách trước khi nộp cho Cục Xuất Nhập cảnh Việt Nam đóng dấu, ra công văn phê duyệt. Quy trình này đã được thực hiện từ trước dịch nên du khách quốc tế muốn xin visa on arrival không thể tự làm.

Trước dịch việc làm thủ tục này dễ với chi phí khoảng 2-10 USD một khách, tùy trường hợp. Sau khi có công văn chấp thuận thị thực, du khách tới sân bay dán visa và đóng thêm 25 USD. Tuy nhiên, sau dịch việc xin visa on arrival khó và chi phí cũng cao hơn, khoảng 50 USD một người, kèm 25 USD dán visa tại sân bay.

Bên cạnh hai loại trên, về lý thuyết vẫn còn một cách xin visa khác là thông qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại. Tuy nhiên, theo Cindy Vũ, du khách gần như không thể xin qua hình thức này và vẫn sẽ phải tìm tới các công ty dịch vụ. Cô nhấn mạnh thêm có một số quốc gia thuộc diện khó xin visa du lịch vào Việt Nam như Tunisia, Nigeria, Afghanistan. Và người trong ngành “ngầm hiểu” đây là các quốc gia có những vấn đề liên quan đến chính trị, lao động bất hợp pháp.

Ngày 15/3, tại hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa nhập cảnh Việt Nam, kéo dài thời hạn lưu trú với lệ phí hợp lý, mở rộng e-visa. Tới 17/3, Bộ Công an đã đề xuất kéo dài thời hạn e-visa cấp cho người nước ngoài từ 30 ngày lên tối đa 3 tháng.

Đây là những tín hiệu mừng khi câu chuyện visa “quá chặt” của Việt Nam đã được nhắc đến nhiều sau một năm mở cửa. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan tâm đến việc tăng ngày lưu trú, tăng số quốc gia được miễn visa, nhiều chuyên gia trong ngành du lịch cũng nhận xét Việt Nam cần chú tâm hơn đến khâu “chào đón”.

Nguồn : vnexpress